Top

FDI đang thiên lệch vào một số lĩnh vực

Cập nhật 08/11/2008 11:00

10 tháng qua, số vốn FDI cam kết vào Việt Nam đã đạt con số kỷ lục 59,3 tỷ USD. Nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ…

PV có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

* Thưa ông, dưới góc độ một nhà nghiên cứu, ông nhận thấy thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam thời gian qua nổi lên những đặc điểm gì đáng chú ý?

Trong giai đoạn gần đây có đột biến lớn trong thu hút FDI, có thể quy về mấy đặc điểm sau: khối lượng lớn chưa từng có; quy mô dự án khá lớn, số dự án hàng tỷ USD nhiều; lượng vốn thực hiện khá cao, dự kiến cả năm khoảng 12 tỷ USD; tập trung cao vào một số lĩnh vực như thăm dò dầu khí, luyện thép, bất động sản, dịch vụ; bùng nổ dự án lớn ở một số tỉnh trước đây khó thu hút FDI như Ninh Thuận, Hà Tĩnh.

Đặc biệt là tất cả những điều này diễn ra trong năm 2008, năm thế giới có nhiều biến động, khủng hoảng nghiêm trọng, cũng là năm Việt Nam gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

* Theo ông, vì sao nhà đầu tư nước ngoài vẫn vào Việt Nam nhiều trong khi tình hình kinh tế nước ta năm nay có nhiều khó khăn?

Có một vấn đề phải phân tích kỹ, đó là nhà đầu tư nhìn lợi thế dài hạn của Việt Nam nhiều hơn là ngắn hạn. Đây là điểm khác của nhà đầu tư nước ngoài so với nhà đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải thấy mặt thứ hai của vấn đề, nếu nhìn vào sự phân bố nguồn vốn có thể thấy, họ không hướng tới thời gian quá dài như ta nghĩ, có khi họ chỉ thấy Việt Nam như nơi để họ khai thác tài nguyên, nhân công rẻ, nơi dễ dàng chuyển công nghệ thấp, ô nhiễm môi trường vào. Phải đánh giá hết như vậy mới thấy được toàn bộ vấn đề chứ không chỉ nhìn thấy khối lượng cao mà mừng.

* Nói như ông thì Việt Nam đã đến lúc lựa chọn dự án đầu tư?

Hiện nay, khi FDI vào Việt Nam nhiều, với tư cách đối tác bình đẳng, Việt Nam có quyền lựa chọn, căn cứ vào định hướng phát triển của mình vì lợi ích quốc gia. Việt Nam đã qua thời khát vốn đầu tư, qua thời dựa vào khai thác theo chiều rộng tranh thủ đầu tư nước ngoài. Hiện tại, Việt Nam cần hướng tới những dự án có có công nghệ cao, hướng phát triển tốt.

* Có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI thu hút được. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Trong 2 năm qua, có nhiều bất cập trong thu hút FDI như cơ sở hạ tầng, giao thông, đặc biệt bến cảng và giao thông đến cảng năm nay đã trở thành đại vấn đề. Bất cập nữa là cung cấp năng lượng nên đặt lên bàn như là điều kiện tiên quyết để xác định xem có thể hấp thụ bao nhiêu vốn đầu tư; nhân lực về dài hạn là có tiềm năng nhưng trung hạn có vấn đề. Ngoài ra, còn là vấn đề về năng lực của các địa phương, quy hoạch phát triển đô thị và điều hành vĩ mô…

* Theo báo cáo của CitiGroup, giải ngân của Việt Nam chưa tương ứng với vốn thu hút được, dự kiến năm nay là 12 tỷ USD. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Theo tôi, 12 tỷ USD là một sự nhảy vọt nếu xét trong điều kiện còn nhiều bất cập như hiện nay. Việt Nam hiện nay không nên quá chú trọng tới khối lượng thu hút được mà quan trọng là thực hiện như thế nào. Nếu nhà đầu tư vào mà không cung cấp đủ điều kiện cho họ thì họ sẽ bỏ đi mà thu hút lại sẽ rất khó. Kéo vào nhiều khi không chuẩn bị đủ điều kiện sẽ có khả năng chèn lấn nhà đầu tư trong nước.

* Một vấn đề nổi lên là các địa phương đều đẩy mạnh thu hút FDI theo thẩm quyền được phân cấp dẫn đến một số dự án thiếu sự chọn lọc. Phải chăng, phân cấp đầu tư về địa phương có vấn đề?

Địa phương có lý của địa phương khi chọn lựa dự án FDI. Vấn đề đặt ra là khi trao quyền đã đánh giá được năng lực của địa phương chưa và ta đã có quy hoạch tổng thể chưa. Bất cập chính ở chỗ này. Về địa phương, hỏi các lãnh đạo tỉnh, họ cũng nói rất chân tình rằng đây là bài toán khó giải, họ cũng quan tâm tới quy hoạch chung nhưng khi quy hoạch chung chưa rõ ràng thì dễ dẫn đến sự đua tranh thành tích.

Hơn nữa, năng lực của địa phương còn hạn chế nên việc lựa chọn không thể quan tâm hết các biến số, đặc biệt các biến số liên quan đến môi trường vĩ mô, họ coi đấy là công việc của Trung ương.

* Gần 50% vốn FDI tập trung vào bất động sản liệu có phải là hiểm họa đối với nền kinh tế, thưa ông?

Điều này liên quan đến tính cảnh báo rất đáng quan tâm. Quả thực, FDI phân bổ vào Việt Nam thiên lệch sang một số lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Điều này cũng phải nhìn ở 2 mặt, khi ta chưa làm tốt được thì nước ngoài vào làm cũng không có gì đáng bàn.

Nhưng nếu đầu tư quá nhiều vào sân golf sẽ là hiểm họa vì môi trường bị hủy hoại, lấy đất quá nhiều của nông dân, thậm chí, không cẩn thận những dự án kiểu này biến tướng để lấy đất của ta. Vì thế, phải rất cẩn trọng.

* Vậy theo ông, giải pháp để giải quyết vấn đề này là gì?

Không thể căn cứ hoàn toàn vào thị trường được. Trong điều kiện thị trường Việt Nam chưa phát triển hoàn thiện như hiện nay, Nhà nước phải có sự can thiệp vào lựa chọn này nếu không sẽ là hiểm họa. Thông tin càng công khai, tranh thủ ý kiến dân và phải có bộ máy tham mưu phân tích để khả năng lựa chọn cao hơn.

* Dự đoán của ông về tình hình thu hút FDI trong năm 2009?

Năm 2009, việc thu hút FDI có thể khó khăn hơn do khủng hoảng toàn cầu. Theo tôi, sang năm, dòng FDI vào Việt Nam sẽ không còn được như năm 2008, nhưng trên cơ sở ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, có thể sẽ hạn chế được khó khăn.

* Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo VOV News