Top

“Đừng dồn mọi rủi ro cho nhà thầu” (Phần 1)

Cập nhật 07/08/2007 11:00

Nội dung cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Trịnh Tường, Phó chủ tịch Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam.

Thưa ông, nhiều người cho rằng vấn đề bức xúc nhất hiện nay trong xây dựng là hình thành và quản lý chi phí các dự án. Nhận định của ông?

Đúng là quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo kiểu cũ đã không còn phù hợp với thời điểm hiện nay.

Theo tôi, để hội nhập với khu vực và thế giới, trước hết vẫn rất cần được tiến hành xây dựng các bộ đơn giá xây dựng các địa phương. Có thể mở rộng hơn không theo địa giới hành chính tỉnh như hiện nay nhưng cần công khai các yếu tố cấu thành đơn giá.

Nếu thực tế công trình có yếu tố đầu vào khác với yếu tố cấu thành đã lập nói trên cần cho phép chủ đầu tư- tư vấn và nhà thầu xác định lại cho phù hợp song cũng phải công khai sự thay đổi cho mọi người biết, kể cả các cơ quan kiểm tra thực thi pháp luật cũng cần biết để xem xét khi cần thiết.

Những công việc chưa có định mức và những công việc quá quen thuộc do lặp lại nhiều lần mang tính phổ biến thì cho phép xác định đơn giá không cần định mức mà xác định đơn giá theo thị trường hoặc đi thẳng từ công nghệ để xác định đơn giá, tựu trung lại là phải tiếp cận với đơn giá theo công trình cụ thể.

Hợp đồng và thanh toán trong xây dựng cũng là vấn đề đang gây trở ngại rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của lực lượng nhà thầu xây dựng Việt Nam. Làm thế nào để khắc phục thực trạng này?

Cần thay đổi về cơ bản phương thức thanh toán quá lạc hậu hiện nay vì thực tế “trọn gói không ra trọn gói”, “điều chỉnh giá không ra điều chỉnh giá”, “đơn giá không ra đơn giá”.

Cái nguy cơ phổ biến hiện nay là các chủ đầu tư, các tổ chức cấp phát và tín dụng thường yêu thích phương thức trọn gói và giá không đổi, không cần biết đối tượng gói thầu hay công việc dó có xác định chắc chắn hay không chắc chắn về khối lượng, ở thời điểm đấu thầu hoặc ký hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Ví như công tác đóng cọc, ép cọc, khoan cọc nhồi, làm đất đá của các ngành dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi tất cả thường là trọn gói, trong khi cả thế giới và ngay cả các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore đều không làm như ta và các định chế của tổ chức cho vay vốn như WB, ADB,... cũng không quy định như vậy.

Thực chất, cái phương thức thanh toán trọn gói mà ta đang thực hiện phổ biến là “cái gì nhà thầu không làm thì trừ đi, còn cái gì nhà thầu làm thêm kể cả do yêu cầu thực tế thì không được thanh toán”- quả thật không giống ai trên thế giới.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

Tựu trung là do ta đã quen lối cửa quyền áp đặt của chủ đầu tư các công trình Nhà nước đối với các nhà thầu trong nước trên quan điểm “dồn mọi rủi ro cho nhà thầu”.

Theo Huyền Ngân - VnEconomy