Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) có tổng chiều dài khoảng 1.375 km từ Hoà Lạc (Hà Tây) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Đến nay, công trình đã hoàn thành và được chủ đầu tư, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) nghiệm thu 1.246,4 km đoạn từ Thạch Quảng (Thanh Hoá) đến Ngọc Hồi (Kon Tum).
Các đoạn chưa hoàn thành là: Hoà Lạc (Hà Tây) đến Thạch Quảng (Thanh Hoá) dài 106 km và đoạn Ngọc Hồi - Tân Cảnh (Kon Tum) dài 22,5km.
Mới đây, HĐNTNN đã có báo cáo số 22/BC - HĐNTNN ngày 16/4/2008 gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác nghiệm thu của Hội đồng và tình hình chất lượng công trình đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1).
Theo đó, trên cơ sở kết quả kiểm tra công trình, Hội đồng cho biết còn một số tồn tại có ảnh hưởng tới chất lượng công trình (Hội đồng đã lưu ý chủ đầu tư tổ chức theo dõi, rút kinh nghiệm). Đó là, về công tác quy hoạch và xây dựng các đường ngang nối với mạng lưới đường quốc lộ hiện hữu, nhất là quốc lộ 1 và quy hoạch mạng lưới đường gom, đường ngang dân sinh nối với đường Hồ Chí Minh đã được đề cập sớm (Quyết định số 789/QĐ-TTg ngày 24/9/1997 về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc Nam nay là đường Hồ Chí Minh).
Tuy nhiên, công tác triển khai bị chậm trễ do nhiều nguyên nhân, làm giảm hiệu quả khai thác đường Hồ Chí Minh. Việc quy hoạch mạng lưới đường gom, đường ngang dân sinh nối với đường Hồ Chí Minh chưa được nghiên cứu cụ thể và tổ chức triển khai đã làm xuất hiện tình trạng mở đường ngang tuỳ tiện vào đường Hồ Chí Minh. Về lâu dài tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ tạo ra nhiều điểm đen mất an toàn giao thông, nhất là nhánh Đông (đoạn Thạch Quảng - Cam Lộ).
Công trình đường Hồ Chí Minh từ khi khởi công đến khi hoàn thành giai đoạn 1, một số đoạn đã phải chỉnh sửa thiết kế nhiều lần. Như vậy, công tác khảo sát địa chất, địa hình, địa chất thuỷ văn cũng như giải pháp thiết kế tuyến đường của tư vấn còn những thiếu sót, bất hợp lý không chỉ làm chậm tiến độ hoàn thành công trình mà còn làm tăng chi phí đầu tư.
Tình trạng sụt trượt ta luy trên đường Hồ Chí Minh, trong đó ngoài nguyên nhân khách quan là điều kiện tự nhiên hết sức đa dạng, phức tạp của tuyến đường còn có nguyên nhân chủ quan do những thiếu sót của công tác khảo sát thiết kế.
Một số công trình cầu có thiết kế hướng tuyến, thiết kế gia cố chống xói không hợp lý, một số cầu thiết kế tứ nón chiếm chỗ dòng chảy quá nhiều dẫn tới hiện tượng xói lở tứ nón, nền đường đầu cầu (cầu Xà Manh, cầu Làng Đon...) phải phát sinh hạng mục gia cố.
Một số giải pháp thiết kế nền mặt đường chưa phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật như: kết cấu móng cấp phối đá dăm đường bê tông xi măng không có chất gia cố vô cơ; việc kết cấu móng, mặt đường bê tông nhựa giống nhau trên suốt chiều dài đoạn đường từ Thạch Quảng đến Cam Lộ là thiếu cơ sở về tính toán lưu lượng xe trong tương lai đối với từng đoạn cụ thể của tuyến đường...
Giải pháp thiết kế toàn tuyến đường chưa đồng bộ, chưa có thiết kế các hạng mục phụ trợ, cơ sở dịch vụ (hệ thống cung cấp xăng dầu, sửa chữa phương tiện, các điểm dừng đỗ...) theo quy định kỹ thuật ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả của tuyến đường.
Theo báo cáo của các khu quản lý đường bộ, một số đoạn mặt đường bê tông nhựa bị sình lún (ví dụ: km 332+600...), một số đoạn thể hiện chất lượng thi công kém như đoạn đường phía nam cầu Long Đại Đông, đoạn km 373T, đoạn qua thị trấn Khâm Đức... Sau khi có ý kiến của HĐNTNN, các đơn vị đã tổ chức sửa chữa, khắc phục.
Một số đoạn đã sử dụng vật liệu móng chưa đảm bảo quy định kỹ thuật như ở 10 km đoạn Khe Cò - Hương Khê đã dùng lẫn cấp phối có nhiều cuội sỏi cỡ lớn (trên 10 cm), hoặc đã dùng đá dăm xô bồ làm móng với những cỡ đá quá khổ tại đoạn đường do Liên danh Thừa Thiên - Huế thi công. Tuy nhiên, với lưu lượng xe hiện tại qua đường Hồ Chí Minh nói chung và các đoạn này nói riêng còn thấp, (tại hạt A Lưới cũng chỉ có 150 xe ngày/đêm) nên vẫn có thể châm trước đưa vào khai thác sử dụng.
Theo báo cáo của Chủ đầu tư và Cục Đường bộ Việt Nam, hiện trên toàn tuyến có 25 cống ở hạ lưu không thoát được nước do không giải phóng được mặt bằng hạ lưu. Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn có thể gây ra những rủi ro về sụt trượt gây hậu quả nghiêm trọng...
Theo kết luận của HĐNTNN, do đặc thù của công trình đường Hồ Chí Minh được triển khai trong nhiều năm với sự tập trung lớn về lực lượng; công tác khảo sát, thiết kế, thi công được triển khai đồng thời, nhiều đoạn đường hoàn thành ở những thời điểm khác nhau đã được đưa vào sử dụng. Vì vậy, việc nghiệm thu đường Hồ Chí Minh phải căn cứ thiết kế được duyệt và tiêu chuẩn đảm bảo an toàn khai thác, vận hành.
Hội đồng đã thảo luận và thống nhất: Hội đồng chấp thuận kết quả nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu cơ sở công trình đường Hồ Chí Minh, giai đoạn 1 đoạn Thạch Quảng - Ngọc Hồi và xác nhận công trình đã đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, trừ một số hạng mục theo biên bản nghiệm thu của Hội đồng.
Hội đồng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện các công việc như: Hoàn thiện các hạng mục bền vững hóa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đến hết năm 2008 và các đoạn đường còn lại thuộc giai đoạn 1 chưa hoàn thành.
Tổ chức khắc phục một số tồn tại thuộc đoạn Thạch Quảng - Ngọc Hồi. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện các công việc nêu trên, báo cáo HĐNTNN và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiệm thu của mình.