Sau hàng loạt sự cố dẫn đến chậm tiến độ, đến nay dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (gọi tắt là dự án NL-TN) đang tập trung thi công vào giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, để kịp về đích vào cuối năm nay mà hiệp định vay vốn với Ngân hàng Thế giới (WB) đã gia hạn thì dự án này chưa phải đã hết khó khăn. Mới đây UBND TPHCM phải đề xuất Chính phủ bổ sung thêm 110 triệu USD vốn ODA cho dự án này.
Đã “vượt chướng ngại vật”?
Chúng tôi có mặt tại giếng số 18 (thuộc gói thầu số 7 dự án NL-TN) khi nhà thầu TMEC-CHEC.3 đang gấp rút hoàn thành một trong khoảng 10m ống kích cuối cùng của tuyến cống phụ đi xuyên lòng kênh. Một kỹ sư dẫn chúng tôi đi thực tế cho biết: “Phần kích ống là phần công việc khó khăn nhất trong gói thầu số 7 mà nhiều lần, chính nhà thầu này tưởng như phải bỏ cuộc do robot khi đang thi công liên tục gặp sự cố khiến cho công việc đình trệ”.
Theo tìm hiểu, hệ thống cống ngầm này có thiết kế dài hơn 9km, khởi đầu từ miệng giếng thượng nguồn kênh NL-TN (Tân Bình) và kết thúc đoạn cuối là giếng Bờ Đông nằm ở Thủ Thiêm (quận 2). Toàn bộ hệ thống cống được đặt dưới lòng kênh NL-TN có độ sâu cách mặt đất từ 17-40m. Hệ thống cống này có đường kính 3m, xe ô tô có thể đi lọt.
Theo Ban quản lý dự án thì toàn bộ gói thầu số 7 sẽ hoàn tất trong tháng 8-2009. Hiện tại gói thầu số 7 được xem đã hoàn thành hạng mục khoan 38 giếng chính và 19 giếng vượt kênh; hạng mục kích ống đường kính 2.500mm - 3.000mm đã xong được 96%; hạng mục kích ống đường kính 400mm - 1.000mm cũng đã hoàn thành 70%.
Đối với gói thầu số 8 (trạm bơm) hiện đã hoàn tất gần 100% khối lượng thi công, dự kiến sẽ chạy thử trong tháng 6 này và đến tháng 7-2009 sẽ hoàn tất hợp đồng. Gói thầu số 10 (cải tạo kênh NL-TN) cũng đã hoàn tất được 44% khối lượng thi công, nạo vét được 333.000m3 bùn…
Theo ông Phan Châu Thuận, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án NL-TN, cho biết, đến ngày 13-5, dự án đã giải ngân được 129 triệu USD (đạt 64%), trong đó vốn ODA đã giải ngân là 115 triệu USD (đạt 69%).
Theo ông Thuận, với các gói thầu thay thế đường cống trên các tuyến đường hiện tại, các đơn vị thi công đã đào được trên 54% khối lượng và tốc độ thi công rất nhanh với gần 130 mũi thi công. Hiện tại, việc trục vớt robot bị chìm tại giếng S32 cũng đã hoàn tất. Ngoài gói thầu số 8 sẽ hoàn tất và bàn giao cho đơn vị vận hành vào tháng 7-2009; gói thầu số 7 sẽ hoàn thành vào tháng 8-2008 thì các gói thầu cải tạo ống cống và cải tại kênh NL-TN sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Đại diện chủ đầu tư cho rằng: “Phần vượt chướng ngại vật đã vượt qua và bây giờ là giai đoạn tăng tốc để về đích”.
Về đích: Không ít khó khăn
Dù tiến độ đã được đẩy nhanh và chủ đầu tư cũng cho rằng cuối năm nay sẽ hoàn thành dự án nhưng trên thực tế vẫn còn không ít khó khăn. Với khoảng 7 tháng còn lại thì vẫn còn nhiều ý kiến e ngại khi đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối năm nay.
Trên thực tế, gói thầu số 7 tuy đã hoàn thành được 96% và hiện chỉ còn 230m cống (từ giếng S29 về giếng S28) là hoàn thành nhưng hiện nay đoạn này đang vướng đường ống cấp nước D2000 của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO). Đường ống này hiện đang cung cấp nước cho toàn bộ khu vực nội thành thành phố. Chính vì thế, sau gần 4 năm bàn đi tính lại, mới đây SAWACO đã đồng ý cho nhà thầu TMEC-CHEC.3 kích cống “chui” phía dưới đường ống cấp nước. Tuy nhiên, muốn làm được việc này, nhà thầu phải khoan thăm dò đường ống để nhận dạng, sau đó mới đưa ra chi tiết kỹ thuật để tiến hành kích cống vì đây là đường ống đã 40 năm tuổi, lại không có bản vẽ hoàn công nên nhà thầu vừa làm vừa run.
Mặt khác, do dự án này chậm tiến độ 2 năm dẫn đến chi phí xây dựng của các hạng mục thuộc dự án tăng cao cùng với yếu tố trượt giá của các gói thầu (đáng lẽ kết thúc vào ngày 31-12-2007 nhưng do thi công quá chậm nên đã được WB sau gia hạn đến ngày 31-12-2009), mới đây UBND TPHCM đã có văn bản xin bổ sung 110 triệu USD vốn ODA cho dự án NL-TN để đảm bảo dự án được hoàn thành vào cuối năm nay.
Như vậy, so với tổng mức đầu tư của dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2000 là 199,96 triệu USD; trong đó, vốn ODA là 166,34 triệu USD, vốn đối ứng là 33,62 triệu USD, nay với đề xuất tăng thêm 110 triệu USD vốn ODA, cộng với vốn đối ứng, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến được điều chỉnh thành 354,67 triệu USD.
Đó là chưa kể đến việc một con robot mắc kẹt dưới đáy sông Sài Gòn khi đang kích ống băng sông do gặp phải vùng địa chất xấu, hiện vẫn đang tìm giải pháp kỹ thuật, chờ ý kiến của WB nhưng có khả năng hạng mục này sẽ tách thành một gói thầu khác hoàn thành sau năm 2009. “Như vậy, nếu các vấn đề trên vẫn chưa tháo gỡ được thì liệu dự án sẽ hoàn thành trong năm nay?” - đó là câu hỏi hiện nay đang được nhiều người quan tâm.
Theo Ban quản lý dự án NL-TN, dự án này có tổng cộng 22 gói thầu, trong đó có 7 gói thầu tư vấn, 3 gói thầu thoát nước thải, 12 gói thầu trong hạng mục thoát nước mưa trong đó có 9 gói thầu đang thi công (10, 11A1, 11A2, 11B1, 11B2, 12B1, 12B2, 13B1, 13B2); gói 16 chưa đấu thầu; gói 14, 15 đang hoàn tất thủ tục đấu thầu.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng