Top

Doanh nghiệp địa ốc đua nhau tìm đối tác ‘kết hôn’

Cập nhật 15/09/2013 09:27

Thị trường bất động sản đang hình thành hàng loạt mô hình liên kết để vượt qua giai đoạn thị trường khó khăn như: liên kết giữa các sàn, liên kết giữa chủ đầu tư và ngân hàng, liên kết chủ đầu tư – nhà thầu – ngân hàng – sàn bất động sản,…

Công trường thi công dự án Tân Tây Đô. Ảnh: Châu Anh

Đứng trước những khó khăn của thị trường, doanh nghiệp bất động sản đang phải cận lực để cùng lúc áp dụng hàng loạt chiêu thức như: giảm giá bán, cơ cấu lại danh mục đầu tư, tìm kiếm đối tác chiến lược... để mong muốn bán được hàng.

Tuy nhiên, nếu không tạo được niềm tin cho người mua thì doanh nghiệp rất khó để có thể bán được hàng, chứ chưa nói đến việc kích thích thị trường tạo nguồn cầu mới.

Để “lấy lòng” khách hàng, nhiều chủ đầu tư dự án đã áp dụng phương pháp khách hàng cùng tham gia quản lý dòng vốn. Quá trình trả tiền xây dự án sẽ thông qua một tài khoản chung tại ngân hàng. Hình thức bán nhà xây thô, trả góp…

Một số chủ đầu tư khác thì áp dụng hình thức “kết hôn” tay ba giữa chủ đầu tư – ngân hàng – sàn giao dịch bất động sản.

Thực tế cho thấy, hình thức liên kết này đã giúp doanh nghiệp có được nguồn lực mạnh về tài chính, đảm bảo tính pháp lý, tiến độ, chất lượng dự án. Giúp thị trường vực dậy niềm tin, khiến khách hàng quyết định xuống tiền nhanh hơn khi được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ từ chủ đầu tư.

Một hình thức “kết hôn” khác cũng được phát triển mạnh thời gian gần đây là việc hình thành liên minh các sàn giao dịch bất động sản như liên minh G5 gồm: Sàn giao dịch bất động sản Sudico, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc, Sàn giao dịch bất động sản Công ty Cổ phần MAX Việt Nam - Maxland, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phân phối DTJ và Sàn giao dịch bất động sản Châu Á) hay liên minh R9+ gồm: sàn Vicland, Thái Minh Quang, VUD, Bắc Sơn, Thanglongland, Kim Việt, THT, Hoàng Vương,…

Nhận định về xu hướng liên kết này, ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp bất động sản Việt Nam cho biết, mô hình liên kết “ba nhà” ngoài mục đích đảm bảo cho sự thanh toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu, giữa nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu được thông suốt, dự án sớm có sản phẩm để đưa ra thị trường, thì sẽ góp phần kiểm soát chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Cen Group thì cho rằng, sự liên kết này mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: ngân hàng sẽ giải quyết được nợ xấu, hỗ trợ chủ đầu tư đang mắc kẹt tại các dự án trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, đặc biệt là mang lại sản phẩm hợp lý nhất với nhiều ưu đãi cho đa số khách hàng có nhu cầu thực về bất động sản.

Ông Hưng lấy dẫn chứng, dự án CT2 Tân Tây Đô (đường 32, Hà Nội) trước đây phải tạm dừng thi công, nhưng từ khi áp dụng mô hình liên kết “ba nhà” giữa Công ty Hải Phát – Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội – Sàn giao dịch bất động sản Thế kỷ, dự án đã được ngân hàng rót vốn trực tiếp cho nhà thầu thi công và tiến độ triển khai khá nhanh.

Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển – Giám đốc Kinh doanh Sàn giao dịch bất động sản Thế kỷ, chỉ sau 1 tháng bung hàng ra thị trường, 100 căn hộ của dự án CT2A Tân Tây Đô đã được khách hàng ký hợp đồng mua bán và đặt mua ngay trong tháng “cô hồn”.

Ngoài ra, một ưu điểm khác của mô hình liên kết này là khách hàng sẽ được ngân hàng hỗ trợ tới 70% giá trị hợp đồng khi mua dự án CT2 Tân Tây đô trong tháng 9/2013.

Đối với mô hình liên kết giữa các sàn giao dịch bất động sản, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết, việc liên kết giữa các sàn bất động sản sẽ tạo ra những lợi thế mới cho các doanh nghiệp như có thêm nguồn vốn, khách hàng, kinh nghiệm, đủ sức để đảm nhận những dự án lớn.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện G5 cũng cho rằng, việc tạo ra liên minh này sẽ có khả năng đảm nhận việc tư vấn và cung cấp dịch vụ bất động sản cho các dự án lớn quy mô hàng trăm ha, vốn trước đây phần lớn là thị phần của các công ty nước ngoài.

Còn theo ông Đinh Quang Bách, chủ tịch liên minh R9+, hiện thị trường bất động sản đang dần phát triển ổn định hơn, nhưng giao dịch vẫn cầm chừng, tính thanh khoản của thị trường nhìn chung còn thấp.

Vì thế, hoạt động giao dịch phân phối của các sàn bất động sản cũng trở nên èo uột, chỉ một số sàn còn duy trì và phát triển hệ thống phân phối của mình.

“Trước những thực trạng đó thì nhu cầu liên kết, hợp tác kinh doành giữa các sàn bất động sản với nhau cũng đã hình thành”, ông Bách cho biết.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC