Top

Đô thị hóa và công nghiệp hóa: Hàng triệu nông dân bị ảnh hưởng

Cập nhật 24/05/2008 11:00

Việc thu hồi đất nông nghiệp đã tác động tới đời sống của gần 627.495 hộ dân với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều hộ rơi vào tình trạng bần cùng hoá.

Theo kết quả điều tra tại 16 tỉnh, thành phố về tình trạng đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị (KCN, KĐT) vừa được Bộ NN&PTNT công bố, trong vòng 5 năm qua, cả nước đã có hơn 366.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi.

Đất nông nghiệp bị thu hồi vô tội vạ

Trong khi dân số và nhu cầu lương thực đang ngày một gia tăng, đất nông nghiệp (chủ yếu là đất thâm canh lúa) lại đang bị nhiều địa phương thu hồi một cách vô tội vạ nhằm vào mục đích quy hoạch - xây dựng các KCN, KĐT, sân golf...

Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài đã khiến cho người nông dân nhiều địa phương trong cả nước rơi vào tình trạng không có đất canh tác.

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, đến năm 2010, bình quân đất nông nghiệp trên một nhân khẩu chỉ còn 0,108 ha (so với 10 năm trước giảm 0,005 ha); trong khi đó, mức bình quân đất nông nghiệp của thế giới hiện nay là 0,23 ha/người.

Vấn đề này đã được Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT báo động nhiều lần, nhưng không những không ngăn chặn được mà còn có chiều hướng gia tăng. Tính riêng giai đoạn từ 2001-2005, tổng diện tích đất bị thu hồi cả nước đã lên tới trên 366 nghìn ha (chiếm gần 3,9% quỹ đất nông nghiệp); tức mỗi năm thu hồi hơn 73,2 nghìn ha.

Theo Bộ NN&PTNT, hai vùng kinh tế trọng điểm bị thu hồi nhiều nhất là phía Nam và phía Bắc. Tại hai vùng kinh tế này, có nhiều địa phương bị thu hồi với diện tích rất lớn như: Tiền Giang (hơn 20.000 ha), Đồng Nai (19.700 ha), Bình Dương (16.600 ha), Hà Nội (7.776 ha), Vĩnh Phúc (5.573 ha...).

Trong vòng  5 năm qua, việc thu hồi đất đã tác động tới đời sống của 627.495 hộ dân với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người bị ảnh hưởng. Trung bình, cứ 1 ha đất bị thu hồi, có 10 người bị mất việc.

Khu vực đồng bằng sông Hồng có nhiều hộ bị ảnh hưởng nhất (300.000 hộ), tiếp đến là khu vực Đông Nam Bộ (108.000 hộ); riêng TP Hà Nội có số hộ nông dân bị thu hồi lớn nhất (138.291 hộ); tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh (52.094 hộ), Bắc Ninh (40.944 hộ), Hưng Yên (31.033 hộ), Đà Nẵng (29.147 hộ).

Nông dân lại tái nghèo đói?

Khi đánh giá về tác động của việc thu hồi đất, một đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam từng nói rằng, bản thân nông dân là những người nghèo nhất, nhưng cùng với quá trình hiện đại hóa đất nước, họ đã bị kéo vào vòng xoáy của nghèo đói.

Theo vị này, phần lớn số tiền đền bù đất, đa số nông dân đều dùng vào việc mua sắm, xây dựng nhà cửa, có tiết kiệm thì cũng chỉ được 5-7 năm là tiêu hết và hậu quả là họ lại rơi vào tình trạng... “vô sản”.

Thực tế rất buồn là, trong khi nhiều nông dân không có đất để sản xuất thì tại nhiều địa phương, do chạy theo phong trào nên đã phát triển ồ ạt các KCN, KĐT... trong khi vẫn chưa kêu gọi được đầu tư. Tình trạng này dẫn đến hậu quả là đất đai tại nhiều KCN, KĐT bị bỏ hoang nhiều năm.

Theo ông Lã Văn Lý - Cục trưởng HTX&PTNT, tại các địa phương bị thu hồi đất, có tới 67% số hộ vẫn phải quay lại với nghề nông; chỉ 13% có nghề mới ổn định.

Điều đáng nói là, những hộ dân muốn quay lại nghề nông cũng chẳng có đất để sản xuất nên cuối cùng họ lại rơi vào cảnh thất nghiệp, kéo theo hàng loạt tệ nạn xã hội khác như rượu chè, cờ bạc...

Điều kiện sống của người nông dân vì thế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chỉ có 29% số hộ có điều kiện sống tốt hơn; số đông còn lại (34,5%) có mức sống thấp hơn so với trước khi bị thu hồi đất. Rất nhiều nông dân sau khi không tìm được việc làm mới tại các KCN, phải tìm về với nghề cũ (trồng trọt, chăn nuôi) nhưng khốn nỗi lại chẳng còn đất.

Ông Nghi Quang Toán - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh nhận xét: Phần lớn số tiền đền bù đất mà người nông dân nhận được, chủ yếu được dùng vào việc mua sắm, xây dựng nhà ở; rất ít người dùng tiền đền bù để đầu tư chuyển sang ngành nghề khác. Điều này đã dẫn đến tình trạng, số lao động dôi dư (nhất là lứa tuổi từ 35-60) tại các địa phương trong cả nước chiếm số lượng rất lớn.

Chính sách nào cho nông dân?

Vụ Lao động - việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trung bình mỗi hộ nơi bị thu hồi đất có 1,5 lao động mất việc làm; trong đó, đứng đầu là Hà Tây (35.703 người), Vĩnh Phúc (22.800 người), Đồng Nai (12.295 người)...

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì, số nông dân tại các địa phương này được tuyển dụng vào làm việc tại các KCN chiếm tỷ lệ rất ít do trình độ lao động, tay nghề không đáp ứng được nhu cầu.

Vì thế, giải pháp trước mắt được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là: Các địa phương cần có chính sách đào tạo nghề đi trước đón đầu khi có kế hoạch, quy hoạch phát triển các KCN, để khi KCN hoàn thành, các doanh nghiệp có thể tuyển dụng lao động vào làm việc ngay.

Theo bà Phan Lệ Xiêm - Phó ban Kinh tế (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam), để nông dân có việc làm cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sau khi họ bị thu hồi đất, nhất là dạy nghề, tạo việc làm mới. Đặc biệt, có cơ chế giám sát chặt chẽ trong việc doanh nghiệp ưu tiên nông dân và con em nông dân sau khi bị thu hồi đất được đào tạo và vào làm việc tại các KCN đóng trên địa bàn.

Trao đổi với PV Tiền phong, một lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, các địa phương cần chú trọng vào chính sách phát triển đô thị nông nghiệp và dịch vụ liền kề.

Theo vị lãnh đạo này, việc áp dụng các tiến bộ mới để tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích và tạo việc làm mới cho người nông dân bằng việc xây dựng các ki ốt bán hàng, hệ thống phụ trợ để người nông dân vào đó làm việc như tại Vĩnh Phúc cần được nhân rộng.

Theo Tiền Phong