Bộ Tài chính đề xuất tất cả các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải thực hiện thoái vốn. Việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn theo hình thức đấu giá là chủ yếu.
Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc xử lý các trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) thực hiện thoái vốn theo Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ.
Bộ Tài chính đề xuất tất cả các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải thực hiện thoái vốn. Ảnh minh họa |
Chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm thực hiện thoái vốn
Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo cho biết, thực hiện Nghị quyết số 94/NQ-CP và Nghị định số 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đã xây dựng phương án tái cơ cấu, thoái vốn ra khỏi lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Tuy nhiên, dự án kinh doanh BĐS thường kéo dài, bao gồm nhiều nội dung công việc khác nhau, một số doanh nghiệp thuộc các bộ ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước đã được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng đến nay vẫn đang thực hiện dở dang, chưa hoàn thành dự án.
Đồng thời, việc đầu tư kinh doanh BĐS bị chi phối bởi nhiều hệ thống pháp luật: pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư kinh doanh BĐS, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng,... Vì vậy, quá trình thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc cần tháo gỡ, trong khi các quy định hiện hành tại chưa có quy định cụ thể để xử lý cả về hình thức, thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, dự thảo Quyết định của Bộ Tài chính đề xuất tất cả các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS phải thực hiện thoái vốn. Chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm thực hiện thoái vốn (chuyển nhượng vốn) đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Quy định này bắt buộc áp dụng đối với: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập không có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh BĐS. Bao gồm: Công ty TNHH một thành viên là công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con (sau đây gọi là công ty mẹ); Công ty TNHH một thành viên độc lập.
Riêng các công ty TNHH một thành viên do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ, các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn góp của công ty mẹ, công ty TNHH một thành viên độc lập như quy định nêu trên không có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh BĐS được vận dụng các quy định tại Quyết định này để thực hiện thoái vốn.
Chuyển nhượng vốn, dự án phải qua đấu giá
Cũng theo Bộ Tài chính, dự thảo Quyết định yêu cầu việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn theo hình thức đấu giá là chủ yếu. Hình thức chuyển nhượng theo thỏa thuận chỉ thực hiện sau khi bán đấu giá không thành công (không có hoặc chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá) và các trường hợp cụ thể được quy định tại Quyết định này.
Giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá công khai được xác định trên cơ sở kết quả của đơn vị có chức năng thẩm định giá nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư.
Đối với các doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg, tùy thuộc vào tiến độ sắp xếp lại nhà, đất và tiến độ thực hiện dự án đầu tư, dự thảo quy định hình thức xử lý thoái vốn tương ứng với 5 trường hợp.
Trong đó, trường hợp các dự án đầu tư kinh doanh BĐS do doanh nghiệp tự làm chủ đầu tư đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và tiến hành khởi công xây dựng công trình, việc xử lý thoái vốn được thực hiện theo các hình thức:
Thực hiện chuyển nhượng dự án BĐS cho chủ đầu tư khác để tiếp tục đầu tư kinh doanh nếu dự án BĐS đó đủ điều kiện được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh BĐS.
Chuyển nhượng phần vốn của doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án đến thời điểm chuyển nhượng và trả lại dự án cho Nhà nước để giao cho nhà đầu tư khác.
Trường hợp chủ đầu tư trả lại dự án cho Nhà nước, UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận, giao cho các nhà đầu tư khác để thực hiện dự án. Việc giao dự án cho nhà đầu tư khác thực hiện theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư được lựa chọn để giao dự án có trách nhiệm bồi thường các chi phí doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án đến thời điểm bàn giao lại cho UBND cấp tỉnh.
Doanh nghiệp và nhà đầu tư mới thống nhất lựa chọn một tổ chức thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật để xác định giá trị hiện tại của khoản đầu tư, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.
Tại Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 27/09/2011, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tập trung vốn đầu tư vào các ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, BĐS, chứng khoán. Đối với các tập đoàn, tổng công ty trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh…
Tiếp đó, tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013, Chính phủ quy định doanh nghiệp không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực BĐS (trừ những doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là lĩnh vực BĐS); trường hợp đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực này mà không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
DiaOcOnline.vn - Theo Tài chính