Top

Địa ốc Hà Nội, người mua bị 'ép sân'

Cập nhật 28/04/2011 08:40

Thị trường bất động sản không minh bạch, thông tin dự án lòng vòng dẫn đến các nhà môi giới, chủ đầu tư đua nhau bắt chẹt khách hàng. Thủ tục đất đai "một cửa" nhưng "nhiều ngách" càng khiến thị trường thêm tiêu cực.

Tại buổi tọa đàm những vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh bất động sản, thực trạng và giải pháp tổ chức ngày 27/4, đa số các chuyên gia cho rằng, thị trường địa ốc Hà Nội mang tính chất cạnh tranh chưa hoàn hảo, người bán nắm thông tin và chi phối mọi hoạt động kinh doanh. Thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như thông tin dự án khiến người mua phải chịu nhiều thiệt thòi.

Đối với địa ốc Hà Nội, thông tin càng ém, người mua càng hào hứng. Điều này dẫn đến hàng loạt các vụ lừa đình đám bị phanh phui trong thời gian qua như vụ Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư địa ốc dầu khí Petroconex đã cuỗm hàng tỷ đồng của khách hàng. Đất Thanh Hà tăng giá chóng mặt vì tin đồn. Không có quyền phân phối dự án nhà đất, Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 đã thu hàng trăm tỷ đồng dù hợp đồng cho chủ đầu tư vay vốn đã hết hiệu lực. Hay mới đây nhất là một số dự án ở Bắc Ninh mặc dù chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô vào mua trên giấy để rồi mắc cạn.

Chưa quy định phí môi giới nên mỗi nơi một giá. Ảnh: Hoàng Lan.

Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm - Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, chính bản thân luật pháp cũng có nhiều khiếm khuyết. Luật kinh doanh bất động sản, Nghị định 71, Thông tư 16 có quy định việc ứng tiền trước khi mua bất động sản. Trong đó, người bán được huy động vốn, góp vốn dưới hình thức đặt cọc, vay vốn và ký quĩ. Tuy nhiên, hợp đồng đặt cọc, vay vốn luôn thể hiện cam kết một phía có lợi cho người bán. Bởi thực tế, mua được một dự án bất động sản ở Hà Nội không đơn giản. Người mua phải góp vốn bằng chính tiền tươi thóc thật thông qua hợp đồng hứa mua hứa bán nhưng lại chưa có các điều khoản bảo vệ mình.

Ông Liêm đưa ra minh họa, bản thân ông chứng kiến việc bán lãi được hơn một tỷ đồng qua việc bán căn hộ còn người mua thì nơm nớp lo vỡ nợ vì phải mua nhà trên giấy. Ngoại thất như hồ bơi, sân vườn rộng rãi làm giá trị căn hộ tăng lên nhưng đến khi bàn giao tất cả chỉ còn lại trên bản vẽ.

"Một tỷ đồng trong vòng vài tuần là khoản lãi còn hơn cả đánh bạc. Luật pháp kinh doanh bất động sản coi nhẹ sự vận hành của thị trường mà thiên về văn bản, quản lý nhà nước", ông Liêm nói.

Theo ông Liêm chỉ có hình có hình thức ký quỹ là khá an toàn cho người mua vì có ngân hàng bảo lãnh. Tài khoản người mua đóng góp sẽ được phong tỏa, ngân hàng sẽ cho bên bán vay tiền nếu bên bán chậm triển khai dự án sẽ phải trả lãi suất. Tuy nhiên, hình thức này ít được sử dụng trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Mai, phụ trách pháp chế Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho hay, do địa ốc thường lên và ít khi xuống nên vẫn là kênh hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Song thực tế, văn bản liên quan đến bất động sản lên tới 400-500 loại dẫn đến làm khó cho nhà đầu tư. Chính thủ tục hành chính liên quan đến việc giao đất, xây dựng quy hoạch thực hiện chậm 2-3 năm dẫn đến chậm tiến độ, người mua càng khó tiếp cận thông tin. Thêm vào đó, các thủ tục trong lĩnh vực đất đai "một cửa" nhưng "nhiều ngách" tạo nên nhiều tiêu cực.

"Quá trình tổng kết thực hiện pháp luật về đất đai đã cho thấy có nhiều cái nhất, trong đó điển hình là nhiều văn bản, tham nhũng, tiêu cực, tranh chấp, phiền hà, hư hỏng cán bộ, đút tiền... nhiều nhất", bà Mai chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lo ngại, các mức phí trong hoạt động môi giới, tư vấn nhà đất vẫn bỏ ngỏ. Hà Nội có khoảng một nghìn nhà môi giới thì mỗi người hét một mức phí khác nhau càng làm người mua rối trí.

Bộ tư pháp có 200 mẫu hợp đồng liên quan đến kinh doanh bất động sản nhưng các chủ đầu tư luôn đưa ra những điều khoản có lợi đẩy khách hàng vào thế bí. "Chỉ khi nào đưa ra công chứng, quyền lợi khách hàng mới đảm bảo. Mỗi công ty đưa ra một hình thức hợp đồng càng làm loạn thị trường", ông Minh nói.

Ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng ghi nhận, nhiều chủ đầu tư đã lách luật gây thiệt thòi cho người mua. Thậm chí nhiều sàn giao dịch đã móc ngoặc với người bán để kiếm lời. Năm 2010, thanh tra Bộ Xây dựng đã kiểm tra hơn 100 sàn, phạt khoảng 20 sàn ở TP HCM và Hà Nội.

"Sắp tới Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra các sàn để hạn chế tình trạng các sàn, đầu tư và đầu cơ móc ngoặc với nhau", ông Thiện nói.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress