Bộ Xây dựng vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án xây dựng mô hình đầu tư thí điểm NoXH tại một số địa phương trọng điểm bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc.
Cuối năm 2014, Bộ này đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đăng ký danh mục dự án ODA sử dụng nguồn vay ưu đãi từ Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đối với dự án xây dựng mô hình đầu tư thí điểm NoXH tại một số địa phương.
Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng thuận từ phía Bộ KH-ĐT với lý do lĩnh vực NoXH không thuộc lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay vốn ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Trước đó, Bộ Xây dựng và Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển nhà ở thông qua chương trình chia sẻ tri thức (KSP) của Chính phủ Hàn Quốc. Đồng thời, phối hợp với Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) và Tổng công ty Đất đai và nhà ở Hàn Quốc (LH) thực hiện thành công dự án đề xuất chính sách pháp luật để phát triển NoXH ở Việt Nam.
Theo đó 2 bên thống nhất xây dựng mô hình đầu tư thí điểm NoXH tại một số địa phương và đề nghị KOICA xem xét tài trợ. Dự án thí điểm phát triển nhà ở bằng ODA Hàn Quốc được KOICA xếp hạng cao, sẽ được cơ quan này xem xét cấp vốn ưu đãi trong tài khóa 2016. Trên thực tế, Bộ Xây dựng muốn phát triển NoXH theo kinh nghiệm của Hàn Quốc từ những năm 1970 thế kỷ trước khi Chính phủ nước này bỏ ra một số vốn nhất định để phát triển NoXH cho các gia đình có thu nhập thấp.
Mục tiêu chung của dự án là hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình tổng thể, kế hoạch phát triển NoXH và nghiên cứu mô hình đầu tư, mẫu thiết kế nhà ở xã hội phù hợp, đẩy mạnh đầu tư xây dựng NoXH đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở tại khu vực đô thị từ nay đến năm 2020.
Bên cạnh đó, việc triển khai dự án sẽ dự báo nhu cầu, xây dựng chương trình tổng thể, kế hoạch phát triển NoXH và nghiên cứu mô hình đầu tư, mẫu NoXH phù hợp để xây dựng tại các khu vực đô thị của Việt Nam. Nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng thí điểm NoXH tại một số đô thị của Việt Nam, nâng cao năng lực kỹ thuật và hành chính của ngành Xây dựng thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, những hiểu biết và cách thức triển khai xây dựng chương trình tổng thể, quy hoạch, kế hoạch phát triển NoXH thông qua việc đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ nghiên cứu, hoạch định chính sách và cán bộ kỹ thuật của Việt Nam.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ xem xét, cho phép lĩnh vực phát triển NoXH nói chúng và dự án xây dựng mô hình đầu tư thí điểm NoXH tại một số địa phương trọng điểm được sử dụng vốn vay ODA và nguồn vay ưu đãi theo quy định tại khoản 9 Điều 7 Nghị định số 38/NĐ-CP về quản lý sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Trong lĩnh vực phát triển NoXH hiện nay, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách như Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý NoXH. Theo đó, một loạt chương trình về phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, học sinh, sinh viên... đang được triển khai với những ưu đãi về vốn vay và đất đai.
Nhận định về viếc sử dụng nguồn vay ODA cho phát triển NoXH, một chuyên gia kinh tế cho rằng dù đề xuất được sử dụng nguồn vay ODA để phát triển NoXH cho người nghèo, người thu nhập thấp trên của Bộ Xây dựng có tính khả thi cao, được KOICA ủng hộ, việc quyết định vay ODA trong thời gian tới cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh nợ công tăng cao.
Trong một cuộc họp báo về Diễn đàn đối tác phát triển năm 2013, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn cho rằng viện trợ ODA không phải là cho không và không trả lại. Việt Nam cần quen dần với việc sử dụng vốn vay ODA thay vì bú mãi bầu sữa mẹ ODA. Trong 20 năm (1993-2012), tổng vốn ODA các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam vay hơn 78 tỷ USD, tổng vốn vay ODA đã giải ngân đạt hơn 37 tỷ USD, chiếm 66,92 % vố ODA đã ký kết.
Hơn nữa chủ trương sử dụng nguồn vay ODA để phát triển NoXH đang đi ngược chủ trương xã hội hóa đầu tư hiện nay, việc gì tư nhân làm được thì Nhà nước không tham gia, để dành nguồn lực cho phát triển các lĩnh vực hạ tầng mà tư nhân ít quan tâm. Trong những động thái chính sách gần đây, Bộ KH-ĐT cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm chỉ nên coi ODA là vốn mồi cho các dự án hạ tầng để lôi kéo đầu tư tư nhân, giảm áp lực vốn đầu tư cho ngân sách nhà nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư