TPHCM sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án nhà ở, đặc biệt là các dự án phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội phục vụ người thu nhập thấp, cán bộ - công chức… Tuy nhiên, để thu hút nguồn lực cho lĩnh vực này, TP sẽ tiếp tục có nhiều chính sách để thu hút doanh nghiệp.
Cần nguồn vốn ổn định
Trong 4 năm, từ năm 2011-2014, TPHCM đã phát triển được 34,9 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở, đạt 89,5% so với chỉ tiêu 39 triệu m2 đã đề ra. Con số này nâng chỉ tiêu diện tích bình quân nhà ở của người dân TP từ 14,3m2/người năm 2010 lên 17m2/người. Trong đó, quỹ nhà tái định cư đã đáp ứng kịp thời nhu cầu bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế tình trạng tạm cư phát sinh.
Xã hội hóa vốn đầu tư đối với các dự án nhà ở sử dụng quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Ưu tiên dành 30-50% tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại để tăng cường vốn cho Quỹ Phát triển nhà ở của TP. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM |
TP đã bàn giao 10.643 căn hộ và nền đất phục vụ tái định cư với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 1,09 triệu m2, tháo dỡ 15 lô chung cư cũ với tổng số 99.813m2 sàn, xây dựng mới thay thế các lô đã tháo dỡ và phục vụ tái định cư 139.899m2 sàn, hoàn thành 15 dự án với quy mô 2.442 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn xây dựng 228.231m2.
Dự kiến đến hết năm 2015, TPHCM sẽ hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 8,2ha, quy mô 4.042 căn hộ nhà ở xã hội, diện tích sàn xây dựng 352.603m2. Trong thời gian tới, để xây dựng và phát triển TP theo hướng đồng bộ, hiện đại, đồng thời đảm bảo cho hầu hết người dân có nơi ở ổn định, cần phải có một nguồn lực không nhỏ, bên cạnh nguồn ngân sách.
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn cho rằng việc hoàn thiện chính sách tín dụng cho thị trường BĐS hiện là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự phát triển cho thị trường. Điều này đòi hỏi phải xây dựng một hành lang pháp lý để các ngân hàng thương mại có thể huy động được các nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định để cung cấp tín dụng cho thị trường, đồng thời hỗ trợ tốt hơn, thuận lợi hơn cho các đối tượng có thu nhập trung bình, ổn định có khả năng mua nhà ở.
Một yếu tố nữa tác động đến sự ổn định của thị trường là Nhà nước cần chủ động điều tiết cung hàng hóa BĐS thông qua quy hoạch phát triển, quy hoạch xây dựng đô thị, đặc biệt là nguồn cung đất đai cho thị trường sơ cấp thông qua việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Tiếp tục cải tiến môi trường đầu tư
Nhằm định hướng, kiểm soát và điều tiết thị trường BĐS phát triển lành mạnh và minh bạch, tránh việc phát triển tự phát, ông Tuấn cho biết thời gian tới TPHCM sẽ xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS, trong đó thành lập đơn vị chuyên trách để khảo sát, thống kê, quản lý thông tin và dự báo diễn biến của thị trường; thực hiện công bố chỉ số đánh giá thị trường hàng quý.
Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý thị trường BĐS, đồng thời tăng tính minh bạch nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường. Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế và thi công, nhằm giảm giá thành căn hộ. Thực hiện tái cơ cấu thị trường BĐS, đa dạng hóa sản phẩm, bám sát nhu cầu của thị trường nhằm khắc phục lệch pha cung - cầu trên thị trường, giúp thị trường phát triển.
Mặt khác, TP sẽ tập trung nguồn lực để phát triển nhà ở giá rẻ có diện tích căn hộ nhỏ, nhà ở xã hội, để đáp ứng số đông nhu cầu cũng như khả năng tài chính của các hộ gia đình thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang...