Top

Đất phía tây Hà Nội bị "thổi" giá

Cập nhật 20/11/2010 08:50

Giá đất ở phía tây Hà Nội tăng chóng mặt những tháng gần đây, nhất là khi rộ lên thông tin Mỹ Đình sẽ trở thành trung tâm hành chính tương lai.

Nhưng khảo sát tại những nơi lân cận khu vực Mỹ Đình, được coi là “sốt đất” gần đây, rất ít người đi mua đất, gần như không có giao dịch nào thành công, trong khi giá vẫn tăng lên từng ngày.

Giá... trên trời!

Chị Hiền, trung tâm tư vấn nhà đất miễn phí trên đường Lê Đức Thọ, cho hay, giá đất ở khu vực Mỹ Đình hiện cao ngang bằng với giá đất phố cổ. Cụ thể, đất mặt đường Lê Đức Thọ đã lên 300 triệu đồng một m2, có chỗ gần 400 triệu đồng, tăng gần gấp đôi năm 2009. Còn giá đất mặt đường Lê Quang Đạo, tiếp giáp đường Lê Đức Thọ dao động từ 250 đến 300 triệu đồng một m2, so với năm ngoái là 100 triệu đồng.


Giá đất hai mặt tiền đường Lê Đức Thọ được hét giá từ 250 đến 300 triệu đồng/m2. Ảnh: V.Trường.

“Cả giá đất trong ngõ cũng lên từng ngày, dân sinh sống tại các làng Phú Mỹ, Nhân Mỹ, Tân Mỹ, Đình Thôn... dù có ham cũng không dám bán, vì đều chung tâm lý sợ bán hớ”, ông Bùi Văn Thu, người sống lâu năm tại thôn Phú Mỹ - Từ Liêm, nói. Theo ông Thu, giá đất đã cao... trên trời. Ở đây, đất trong ngõ thì giá từ 60 đến 100 triệu đồng một m2, mặt đường Mỹ Đình thì không thể nào mơ để mua ở, bởi giá thấp nhất cũng từ 200 - 250 triệu đồng. Ngay cả ở những nơi sâu hơn, như tại thôn Mễ Trì thượng và Mễ Trì hạ cũng bị đẩy lên từ 70 đến 250 triệu mỗi m2.

Sốt ảo

Theo các chuyên gia bất động sản, nguyên nhân dẫn tới việc “sốt đất” phía Tây Hà Nội thời gian qua là do giá vàng tăng. Tranh thủ giá vàng nhảy múa, giới đầu cơ đẩy giá đất lên cao. Bên cạnh đó, văn bản của văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, về việc Mỹ Đình sẽ trở thành trung tâm hành chính, giới đầu cơ xác định đây là “miền đất hứa” cho đầu tư phát triển hạ tầng, khiến đất khu vực này càng thêm nóng.

Theo anh Vũ Văn Tuyên, một đại gia bất động sản tại Hà Nội: “Sốt đất” còn do giới đầu cơ muốn tạo một mặt bằng giá mới tại khu vực này, sau thời gian dài “ảm đạm”. Với hình thức đẩy giá bằng cách mua - bán giả tạo, để lừa khách hàng có nhucầu mua đất. Ăn theo giới đầu cơ, người dân cũng nói “khống” giá đất lên. Đây chẳng qua là cơn sốt ảo.

Còn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, thực tế lợi nhuận từ bất động sản vẫn là rất lớn, có thể từ 50 đến 100%, nên mới có nhiều người lao vào bất động sản như vậy. Nhưng cũng có một quy luật khác của kinh doanh, đó là lợi nhuận lớn thì rủi ro cũng nhiều. Nếu không có rủi ro thì lợi nhuận gần như bằng không. Bằng chứng là dư chấn “sốt đất ảo” ở Ba Vì - Hà Tây đã khiến giới đầu cơ bất động sản nếm “trái đắng”. Hay trục đường Lê Văn Lương kéo dài mở đường mới, giá đất cũng bị đẩy “lên mây”, giờ giá rớt thê thảm, do không có người mua. Vì vậy, giá đất cao ngất ngưởng hiện nay tại Mỹ Đình và các khu vực phía Tây Hà Nội, theo ông Nam, có thể cũng sẽ rớt theo quy luật cung - cầu trong thời gian tới. Bởi đất được cho là sốt, nhưng gần như không có giao dịch thành công.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt