Cơn sốt đất những ngày gần đây đang được đẩy lên đỉnh điểm, khi nhiều địa phương ghi nhận mức giá tăng gấp từ 2 – 3 lần trong một khoảng thời gian ngắn. Đáng chú ý, không chỉ xảy ra ở khu vực quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà còn ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp...
Cần cảnh giác với việc sốt đất nền tại những khu vực có thông tin hạ tầng và gần dự án của doanh nghiệp (trong hình: Khu đất nền gần dự án khu đô thị An Khánh, Hoài Đức - Hà Nội). Ảnh: Doãn Thành
Đầu cơ - thổi giá
Cùng với những thị trường chủ lực phía Bắc như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... một số địa bàn mới nổi, như: Bắc Giang, Hưng Yên... cũng ghi nhận giá bán tăng mạnh. Bà Hoàng Thị Trăm, trú tại thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa (Kim Động, Hưng Yên) cho biết, cách đây 5 năm, gia đình bà có chuyển nhượng một mảnh ao nuôi cá, diện tích 1 sào Bắc Bộ (360m2 – PV) với giá 50 triệu đồng nhưng đến thời điểm hiện tại giá đã ở mức trên 6 triệu đồng/m2. “Mới đây, có người trả mảnh ao này với giá 2,2 tỷ đồng nhưng chủ sở hữu vẫn chưa đồng ý bán. Gia đình tôi rất tiếc nuối vì đã bán với giá quá thấp” – bà Hoàng Thị Trăm chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Chính Nghĩa Nguyễn Văn Duyên cho biết, gần đây, đất đai trên địa bàn xã ghi nhận có sự tăng giá tại một số khu vực quy hoạch giãn dân được phê duyệt, đã đầu tư hạ tầng giao thông, thoát nước với mức giá từ 800 – 900 triệu đồng/lô (1 lô diện tích khoảng 100m2), tăng từ 150 – 200 triệu đồng/lô so với năm 2018. “Thông tin sẽ có tuyến đường giao thông chuẩn bị triển khai xây dựng đi qua địa bàn xã, một số khu vực được cho là sẽ nằm gần tuyến đường này, khiến đất nông nghiệp được đẩy giá lên cao gấp 2 - 3 lần. Tuy nhiên, việc tăng giá trên mới chỉ là thông tin truyền miệng trong Nhân dân, thực tế chưa ghi nhận có giao dịch diễn ra với giá như vậy” – ông Nguyễn Văn Duyên nói.
Trong khi đó, tại Bắc Giang một số huyện đã có dự án BĐS được phê duyệt như: Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam... cũng ghi nhận giá đất vượt ngưỡng 50 triệu đồng/m2, cao gấp từ 2 – 3 lần so với thời điểm cuối năm 2020. Khảo sát trên một số trang tin bất động sản (BĐS), một mảnh đất diện tích 77m2 nằm kề Tỉnh lộ 295B, thuộc địa bàn huyện Việt Yên, chủ đất quảng cáo là nằm gần ngay trục chính chợ My Điền và áp giữa 2 khu công nghiệp hiện đại, đông đúc nhất Bắc Giang là Vân Trung, Đình Trám, phù hợp để kinh doanh, rao bán giá 3,92 tỷ đồng, tương đương 50,9 triệu đồng/m2. Những khu vực khác đều được chào bán với mức giá từ 25 – 40 triệu đồng/m2, tùy vào từng vị trí.
Tại Ninh Bình cũng xảy ra tình trạng tương tự, sau khi UBND tỉnh này có quyết định phê duyệt đồ án lập quy hoạch chung khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc huyện Gia Viễn và Nho Quan, giá bán còn bị “thổi” tăng lên tới 300%, đầu quý IV/2020 từ 400 – 600 triệu đồng/lô (diện tích 1 lô khoảng 100m2), đến nay được chào với giá 1 – 1,2 tỷ đồng. Còn ở Thái Nguyên tuy chưa ghi nhận sốt đất trong đợt này nhưng đất nền gần khu công nghiệp như: Sông Công II, cụm công nghiệp Bá Xuyên, Lương Sơn... cũng tăng nhanh, đang được chào bán từ 12 – 18 triệu đồng/m2, tăng khoảng 300% so với thời điểm cuối năm 2018.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, cùng với Hưng Yên, Bắc Giang, một số địa bàn mới nổi khác khu vực phía Bắc, như: Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... thị trường cũng ghi nhận có sự sôi động. Nhưng phần lớn đều do những môi giới không chuyên nghiệp tự giao dịch với nhau để “tạo sóng” nhằm mục đích kiếm lợi nhanh. “Qua khảo sát chúng tôi thấy rằng, tình trạng ít dự án được phê duyệt, nguồn cung mới khan hiếm diễn ra khá phổ biến ở các địa phương này. Thị trường chủ yếu là sản phẩm đất nền đấu giá của địa phương, giao dịch được thực hiện theo hình thức mua đi bán lại những sản phẩm đã chào hàng từ giai đoạn trước, tỷ lệ hấp thụ chậm” - ông Nguyễn Văn Đính cho hay.
Cần minh bạch thông tin
Lý giải về việc giá BĐS, đặc biệt là đất nền tăng mạnh trong thời gian gần đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận, có 2 nguyên nhân dẫn đến sốt đất, bất chấp việc Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Trước hết, kênh đầu tư BĐS vẫn vô cùng hấp dẫn, là kênh đầu tư mà người Việt tin tưởng, chỉ sau vàng, chứng khoán. Cùng với đó, nguồn cung BĐS tại một số địa phương, cũng như các TP lớn còn thiếu hụt nên đã đẩy giá tăng cao. Đáng chú ý, sốt đất không chỉ ở khu vực quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà còn xảy ra ở nhiều vị trí đất thổ cư trong làng xóm, không nằm trong quy hoạch, thậm chí đất phi nông nghiệp... Những "cơn sóng" đó xuất hiện chủ yếu bởi thông tin quy hoạch như sân bay, đường cao tốc giao thông, dự án của DN lớn... “Những đợt sốt đất mặc dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng lại tàn phá nền kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân. Chúng ta đã chứng kiến bài học ở Ba Vì hay mới đây nhất là Bình Phước... là ví dụ điển hình. Chúng tôi cho rằng, trong cơn sốt đất, ngoài cái lợi vẫn có những thiệt hại lớn cho nhà đầu tư non trẻ, thiếu kinh nghiệm, đầu tư theo số đông” – ông Nguyễn Mạnh Hà nhận định.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, dự báo hết quý I/2021, cổ phiếu BĐS sẽ tăng khoảng 15%, một phần do cộng hưởng sốt đất. Trong năm 2021, thị trường BĐS sẽ phát triển khả quan hơn nhờ những dự báo về tăng trưởng kinh tế từ 6,5 – 7% và trong khoảng 10 năm tới sẽ duy trì ở mức 7%, điều này sẽ thu hút ngày càng nhiều hơn nhà đầu tư dịch chuyển sang kênh BĐS và giá BĐS tiếp tục tăng. “Lãi suất ngân hàng vay mua nhà đang ở mức thấp nhất trong 15 năm gần đây, sẽ càng tạo điều kiện cho người trẻ có cơ hội để mua nhà hoặc đầu tư. Còn vấn đề sốt đất trong thời gian gần đây, Chính phủ cần đẩy nhanh việc sửa đổi một số quy định về Luật Đất đai, hướng dẫn các địa phương và trong quá trình thực hiện cần phải công khai minh bạch tất cả thông tin, tránh những trường hợp lợi dụng thông tin để kiếm lời bất chính” – TS Cấn Văn Lực phân tích.
Chúng ta cần cảnh giác với câu chuyện sốt đất nền, nó luôn là nguồn cơn của sốt giá BĐS trên thị trường. Giá tiếp tục tăng cao nhưng không có người mua. Cùng với đó, những nguy cơ về bùng nổ tài chính đang hiện hữu. Tôi cho rằng, không nên đua theo dòng tiền của đất nền sốt ảo bởi có thể nó sẽ dẫn đến sự đổ vỡ của thị trường BĐS.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh doanh TS Lê Xuân Nghĩa
Để thị trường BĐS phát triển bền vững trong thời gian tới, theo tôi, cần tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện để DN BĐS phát triển tốt. Cùng đó, những chồng chéo của pháp luật cần tháo gỡ. Trong năm 2021, nếu tháo gỡ được những khó khăn trên thì ngành xây dựng, BĐS sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển.
Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng
DiaOcOnline.vn – Theo KTĐT