Top

Đề xuất huyện lên quận, giá đất nhấp nhổm

Cập nhật 25/03/2021 11:26

Để trị sốt đất cần trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thông tin quy hoạch rõ ràng, cảnh báo kịp thời những dự án ma.

Những cơn sốt đất ảo có thể khiến thị trường bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng, người mua đất gặp rủi ro. Ảnh minh họa: LÊ ÁNH

Mặc dù đề án chuyển đổi năm huyện ngoại thành TP.HCM lên quận mới chỉ là bước chuẩn bị, thế nhưng thông tin này đã tác động kéo giá nhà, đất tại nhiều khu vực rục rịch tăng.

Giá nhúc nhích tăng nhưng giao dịch ít

Mới đây, Sở Nội vụ TP.HCM có tờ trình UBND TP về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển đổi một số huyện thành quận hoặc TP giai đoạn 2021-2030.

Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ đề xuất chuyển các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Tương tự, các huyện Củ Chi và Cần Giờ sẽ thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.

Mặc dù đề án mới là bước chuẩn bị nhưng thị trường bất động sản tại các địa phương này đã bắt đầu xôn xao.

Đơn cử như huyện Bình Chánh, nếu như cách đây vài năm, giá đất trung bình ở đây chỉ khoảng 28-30 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 40-50 triệu đồng/m2. Với những xã gần trung tâm TP.HCM, giá đất ở mức trung bình cũng lên tới 80-90 triệu đồng/m2, có khu vực lên tới 100-140 triệu đồng/m2.

Ở đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) hiện giá đất cũng tăng gấp đôi sau hai năm, đạt mức 60 triệu đồng/m2. Đất vườn khoảng 7-8 triệu đồng/m2, đất khu vực xã Hiệp Phước trên dưới 40 triệu đồng/m2.

Nhiều đơn vị môi giới đất khu vực Cần Giờ cho biết giá đất Cần Giờ hiện nay đã tăng gấp nhiều lần so với các năm trước. Một số vị trí đẹp, đất mặt tiền đường duyên hải, đoạn gần đường 30/4 giá đã hơn 30 triệu đồng/m2. Một số địa điểm khác như khu vực thị trấn Cần Thạnh còn có giá vượt ngưỡng 50 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi thì giao dịch thật rất hiếm hoi. Ông Nguyễn Nhựt, Giám đốc một công ty môi giới bất động sản (huyện Bình Chánh), cho biết giá đất ở các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn đều có mặt bằng cao ngang ngửa đất các quận nên không còn hấp dẫn nhà đầu tư. Các đầu cơ, đầu nậu muốn thổi giá cũng rất khó vì giá trị lô đất cao rất khó kiếm người mua.

Nói về đề xuất này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ phải báo cáo lại đề án chuyển đổi từ năm huyện sang quận. Trước hết, sở phải hoàn chỉnh đề án sau khi Thường vụ Thành ủy góp ý và Ban Chấp hành cho ý kiến. Sau đó, sở tiếp tục trình lại cho Ban cán sự đảng UBND TP xem qua rồi TP mới xem xét, phê duyệt.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhắc nhở việc đưa tin không khéo về chủ đề này có thể tác động rất mạnh đến giá đất, ảnh hưởng đến bất động sản và đời sống người dân.

“Đây chưa phải đề án được phê duyệt và nó có lộ trình hẳn hoi. Làm không khéo, người ta sẽ lợi dụng thông tin này để đẩy giá đất lên, gây khó khăn cho thị trường” - ông Phong cảnh báo.

Cần trách nhiệm chính quyền địa phương

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, giải pháp nhằm hạn chế sốt đất là thông tin quy hoạch của Nhà nước phải luôn được rõ ràng. Những thông tin như huyện lên quận, xây dựng hạ tầng giao thông, sân bay, khu công nghiệp, dự án phát triển kinh tế… phải được minh bạch, chính xác và có lộ trình rõ ràng để mọi người dân dễ dàng nắm được.

Giải pháp thứ hai là chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ tình trạng phân lô, bán nền trái phép, dự án ma. Các quận, huyện phải tăng cường biện pháp quản lý đất đai, xây dựng, quy hoạch chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng phân lô trái phép, xây dựng trái quy hoạch. Đồng thời, chính quyền địa phương phải đưa ra thông báo về quy hoạch tại những khu vực thường diễn ra mua bán nhà, đất, cảnh báo về các dự án ma; ngăn chặn các trường hợp đầu nậu gom đất, phân lô trái phép hoặc lập dự án không có thật để rao bán, lừa đảo người mua đất.

“Giải pháp lâu dài là Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT cần đưa ra thông tin chính xác về giá cả nhà, đất trên thị trường. Chính quyền địa phương, trung ương phải có một trung tâm thông tin về giá cả nhà, đất từng vùng để người dân biết, tránh để giới đầu cơ thổi giá” - ông Hiếu góp ý.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, cũng cho rằng cần có thông tin về quy hoạch phải rõ ràng, thủ tục hành chính đơn giản cho người dân, chủ đầu tư. Chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi xảy ra hiện tượng sốt đất.

Sốt đất cục bộ nhiều địa phương

Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sau tết Nguyên đán đến nay, thị trường đất nền tại nhiều địa phương tăng giá chóng mặt, trung bình tăng 10% sau một tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.

Trước tình trạng giá đất tăng dựng đứng, tại nhiều nơi người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.

Ngoài ra, ở nhiều địa phương xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm.

Có hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như đất rừng, đất ruộng, vườn… xuất hiện thường xuyên trên thị trường. Nhiều cò mồi thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này tạo ra sự sôi động ảo, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO