Top

Đất Ba Vì tiếp tục “lạnh”

Cập nhật 27/09/2010 09:40

Những người đã trót đầu tư vào bất động sản ở Ba Vì có thể sẽ còn phải “ôm bom” dài dài.

Thị trường bất động sản ở Ba Vì và các khu vực lân cận tiếp tục trầm lắng dù Hà Nội đã bất ngờ thay đổi quan điểm về trục Hồ Tây - Ba Vì. Ngoài một số giao dịch nhỏ lẻ, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hầu như không có giao dịch. Những người đã trót đầu tư vào đây sẽ còn phải "ngậm quả đắng" dài dài.

"Đắng" vì quy hoạch


Không còn ai tin vào "bánh vẽ"quy hoạch Ba Vì. Ảnh: H.T

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII sẽ diễn ra cuối tháng 10 này, Trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia vẫn sẽ đặt ở Ba Đình. Các cơ quan thuộc Chính phủ được quy hoạch, bố trí tại những khu vực, vị trí phù hợp. Trung tâm chính trị, hành chính của Thủ đô ở khu vực xung quanh hồ Gươm.

Đây là những nội dung mới nhất trong bản quy hoạch chung Thủ đô được Bộ Xây dựng cho là đã "hoàn chỉnh", phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan thẩm định.

Dự kiến, cuối tháng 9, Bộ Xây dựng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch chung hiện hành. Như vậy, báo cáo này đã đặt dấu chấm hết cho những đồn đoán về việc trung tâm hành chính quốc gia sẽ đặt ở Ba Vì. Với những người đã trót đầu tư vào "đất Ba Vì" thời gian qua đây là một tin không hề vui vẻ gì.

Hoàng, một "thợ săn" đất ở Tây Hồ (Hà Nội) than thở: "Chắc là khó có thay đổi nữa. Nhiều người trót ôm đất đợt rồi giờ buông không kịp. Chỉ còn hy vọng bán cho các "đại gia" mua nhà nghỉ dưỡng, xây biệt thự, chứ giờ giới đầu cơ không ai nhảy vào đây nữa". Hoàng cũng có hơn 2.000 m², đất sườn đồi ở Làng Chóng, xã Yên Bài (Ba Vì), đã rao bán từ 3 tháng nay mà chưa có ai hỏi.

Tuy nhiên, thực tế theo khảo sát tại các trung tâm mua bán nhà đất ở Ba Vì, Sơn Tây, Hoà Lạc vẫn "giao dịch được". Do đó hiện nay, các loại đất có diện tích vừa và nhỏ khoảng 100-200 m², có giấy tờ sổ đỏ ở đây vẫn giao dịch khá tốt. Giá không giảm mà thực tế còn tăng so với ngay thời điểm sốt giá đầu năm.

Anh Nam đang rao bán một mảnh đất thổ cư 150 m² ở Tản Lĩnh, Ba Vì cho biết: "Mảnh này tôi rao bán 750 triệu đồng, có nhiều người trả 710 triệu đồng rồi nhưng tôi chưa đồng ý bán". Theo nhận định của giới kinh doanh nhà đất ở đây, nếu bán được với giá 710 triệu đồng thì thực tế anh Nam phải "đút túi" được khoảng 70-80 triệu đồng. Người tìm mua đất Ba Vì - Sơn Tây, thời điểm này chủ yếu là những người có "đồng vốn tiết kiệm gửi vào đất". "Với 300-500 triệu đồng trong tay thì gửi vào đất hiện nay còn an toàn hơn vàng hay chứng khoán", anh Nam nhận xét.

Không còn tin vào "bánh vẽ"

Hà Nội đã đồng thuận với Bộ Xây dựng về trục Hồ Tây - Ba Vì, do đó nhiều khả năng trục này sẽ thành hiện thực. Mặt khác việc Hội đồng Thẩm định đồng ý với phương án phát triển thành phố Hà Nội theo hướng đa cực gồm 5 đô thị vệ tinh: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh, Sóc Sơn cũng được cho là có thể kích thích thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở đây.

Công ty cổ phần Archi Land cho biết tuần vừa rồi công ty đã ký thêm 3 hợp đồng bán biệt thự. Theo nhận định của Archi Land, việc Hà Nội đồng ý với trục Hồ Tây - Ba Vì có thể khiến bất động sản tại khu vực khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên, theo một số người quy hoạch mới chỉ là... quy hoạch. Các nhà đầu tư bất động sản đủ rút được nhiều bài học từ đợt sốt đất Ba Vì trước đó. Giờ họ đủ "tinh khôn" để biết rằng cần một thời gian rất lâu nữa để những "thế mạnh" trên thành hiện thực. Có lẽ vì thế nên hiện nay trên khắp các website mua bán bất động sản, đất biệt thự, nghỉ dưỡng ở khu vực Ba Vì được rao bán khá nhiều nhưng khách lại khá khiêm tốn.

Khả năng ấm dần của khu vực bất động sản nghỉ dưỡng ở đây thời gian ngắn hạn sắp tới vẫn được cho là hết sức khó khăn. Đầu tư vào khu vực này lại cần một lượng vốn lớn. Nhu cầu với loại hình bất động sản này ở khu vực phía Bắc chưa cao, đối tượng khách hàng kỳ vọng cũng hẹp.

Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản hiện nay, những người đã trót đầu tư vào đất Ba Vì có thể sẽ còn phải “ôm bom” dài dài.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ quý III/2010, các ngân hàng đã thắt chặt tín dụng cho thị trường bất động sản, thị trường đình trệ về giao dịch. Dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị mới tại thời điểm 31/7/2010 tăng trưởng âm (-) 2,35% so với tăng trưởng 10,2% của cả năm 2009.

Mặt khác, lãi suất cho vay ở mức cao, đa số các ngân hàng đang áp dụng lãi suất xấp xỉ 13%/năm hoặc cao hơn. Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó.

DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình