Top

Đập nhà không phép còn dài dài

Cập nhật 11/11/2015 16:46

Tới thời điểm này các căn nhà xây không phép ở Bình Chánh vẫn đang trong quá trình “thanh lý”. Bình Chánh chưa dứt thì Hóc Môn lại nổi lên, với việc hàng loạt ngôi nhà trái phép bị đập và sắp đập. Câu hỏi đặt ra, liệu việc đập nhà không phép có phải là giải pháp căn cơ? Và việc đập nhà sẽ kéo dài đến bao giờ?


Câu hỏi trên của dư luận thực ra có thể trả lời ngay là kéo dài dài, thông qua trả lời của “thuyền trưởng” ngành xây dựng TP.HCM trên phương tiện truyền thông liên quan đến việc xuất hiện những căn nhà trái phép được trường tồn và những căn nhà trái phép bị tháo dỡ trên chính một lô đất ở xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn. Ở Vụ việc này, ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nêu rõ quan điểm trên báo chí: “Cứ thanh tra xong mọi chuyện sẽ sáng rõ. Trách nhiệm đến đâu, sai phạm đến đâu, sai phạm trong thời điểm nào thuộc trách nhiệm của ai sẽ xử lý theo quy định. Người dân có thể hiện tại vì tài sản của mình nên không tố cáo. Nếu tiến hành xử lý nghiêm, người dân mất tài sản, họ sẽ tố cáo người tiếp tay, tiêu cực ngay thôi. Khi mình giải quyết dứt điểm việc này nó sẽ có tác động tích cực dây chuyền cho nhiều thứ khác”.

Đúng là làm nghiêm, làm đúng thì sẽ hết nhà trái phép, sẽ hết tình trạng nhà này tồn tại nhà kia thì không. Thế nhưng, thực tế ai cũng thấy những chỉ đạo như trên luôn được lãnh đạo ngành này, địa phương kia khẳng định nhấn mạnh. Thế nhưng cuối cùng nhà trái phép vẫn cứ được dựng lên, bất công cứ thế chồng chất. Mà ở đây cụ thể là từ Bình Chánh kéo dài qua đến Hóc Môn. Vậy là sao?

Nói ngay là do việc nói một đằng làm một nẻo. Nói luôn là có sự bao che trong xử lý cán bộ. Hay nói thẳng là do mối quan hệ dích dắc nên khó xử. Bằng chứng là ở bất cứ vụ đập nhà xây không phép hàng loạt nào từ Bình tân nhiều năm trước, cho đến Bình Chánh mới đây và dự kiến tới đây sẽ đến Hóc Môn, chỉ có dân là chịu hậu quả nặng nề, còn cán bộ xây dựng của sở quản lý địa bàn hay cán bộ địa chính của địa phương, cán bộ lãnh đạo địa phương sẽ có một câu trả lời chung là: “vô can” hay “vì không biết có thực trạng trên, báo chí nêu mới hay”. Hay quá mức thì người này nhận khuyết điểm, khiển trách, người kia nặng hơn thì bị điều chuyển công tác, chứ chưa thấy một con “sâu” nào bị loại, bị bắt, dù con nít cũng thấy để xảy ra sai phạm này phải có sự “ăn chia”, làm ngơ của cán bộ với đầu nậu, chứ đầu nậu không thể một tay che trời.

Nói vậy để thấy việc đập nhà dân xây dựng không phép có phần đóng góp không nhỏ của các cán bộ biến chất. Theo đó, nếu trong tương lai không xử nghiêm những vị cán bộ biến chất mà cứ xử kiểu như bây giờ thì việc đập nhà còn kéo dài dài là điều dễ hiệu, chứ khó như mong đợi của ông Tuấn nêu trên.

DiaOcOnline.vn - Theo Thế giới Tiếp thị