Top

Ngăn chặn tình trạng nhập khẩu thép Trung Quốc đội lốt hợp kim

Cập nhật 11/11/2015 11:03

Một lần nữa, ngành thép lại “đau đầu” trước tình trạng phôi thép Trung Quốc gắn mác phôi hợp kim chứa cờ-rôm nhập khẩu tăng vọt. Cũng với chiêu thức pha trộn một lượng rất nhỏ cờ-rôm trong phôi thép, các đơn vị nhập khẩu đã lách thuế từ mức 9% để được hưởng mức ưu đãi 0%. Đây là hành vi gian lận thương mại, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến ngành thép trong nước và gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Nhập khẩu thép tại cảng Bến Nghé, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Định

Chưa hết ngại Bo, lại lo cờ-rôm

Câu chuyện thép hợp kim Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt với số lượng lớn vào nước ta hầu như năm nào cũng tái diễn. Từ năm 2013, thép xây dựng đội lốt hợp kim chứa Bo (tỷ lệ 0,0008%) đã ồ ạt tràn vào nước ta. “Bài” của doanh nghiệp (DN) thép Trung Quốc khi xuất khẩu sản phẩm, ngoài được hưởng chính sách trợ giá, hoàn thuế xuất khẩu, còn cố tình lợi dụng khe hở trong quy định tiêu chuẩn thép hợp kim để gian lận kỹ thuật và thương mại nhằm hưởng thuế suất ưu đãi của nước nhập khẩu. Thực chất, loại thép “hợp kim” chứa Bo chỉ là thép xây dựng thông thường, do tính chất cơ - lý không có gì khác biệt. Khi xuất khẩu, DN thép Trung Quốc được hoàn thuế VAT 13%, trợ giá xuất khẩu 9%. Lợi thế lớn nhất của thép Trung Quốc chính là giá rẻ, mang danh thép hợp kim chất lượng cao, nhưng giá bán rẻ hơn cả thép xây dựng thông thường trong nước.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Hồ Nghĩa Dũng đánh giá: Mấy năm trở lại đây, việc đối phó hiện tượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc luôn là vấn đề “nóng” nhất của ngành thép. Trung Quốc có năng lực sản xuất thép lớn nhất thế giới (khoảng 1,3 tỷ tấn/năm), đang phải tiết giảm sản lượng và tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước. Theo tính toán, Trung Quốc hiện dư thừa khoảng 300 triệu tấn thép, đặt mục tiêu xuất khẩu 100 triệu tấn; trong đó xuất khẩu sang các nước Đông-Nam Á hơn 20 triệu tấn. Việt Nam chiếm khoảng 30% (sáu đến bảy triệu tấn) trong số hơn 20 triệu tấn này. DN thép trong nước và các nhà sản xuất thép thuộc Hiệp hội thép Đông - Nam Á đã phản ứng mạnh mẽ, kiến nghị Chính phủ các quốc gia có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Cuối năm 2014, Chính phủ Trung Quốc phải hủy bỏ chính sách hoàn thuế, trợ giá xuất khẩu đối với thép hợp kim Bo, do vậy tình trạng này tạm lắng xuống.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2015, các DN thép trong nước lại “đau đầu” với phôi thép hợp kim chứa cờ-rôm. Thủ thuật của phôi thép chứa cờ-rôm không có gì lạ, vẫn công thức pha trộn một lượng rất nhỏ cờ-rôm (khoảng 3%) trong phôi thép, không khác biệt so với phôi thép thông thường và vẫn chỉ sử dụng để cán thép xây dựng nhưng được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0%, mà lẽ ra là 9% như phôi thép thông thường. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phôi thép nhập về Việt Nam tính đến giữa tháng 9 đạt gần 1,136 triệu tấn, trị giá hơn 421 triệu USD, tăng 290% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 75% tổng lượng phôi nhập cả nước. Nếu như tháng 8, lượng phôi hợp kim nhập khẩu chỉ ở mức hơn 3.100 nghìn tấn, thì sang tháng 9, đã vọt lên hơn 62 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu hơn 20 triệu USD, thất thu thuế (cả hai tháng) gần 1,9 triệu USD, tương đương 42 tỷ đồng.

Siết chặt kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả

Hiện nay, năng lực sản xuất phôi thép trong nước đạt gần 11 triệu tấn. Tuy nhiên do thị trường chưa thật sự khởi sắc, các DN thép mới chỉ sản xuất khoảng 60% công suất. Lượng phôi thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc đã đe dọa các nhà máy luyện thép trong nước, nhiều nhà máy buộc phải cắt giảm sản xuất, bán dưới giá thành để có thể cạnh tranh, gây thua lỗ nặng. Cả DN sản xuất phôi thép và DN sản xuất thép cán sẽ có khó khả năng trụ vững trong tương lai, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường xuất khẩu. Các DN thép lo ngại, nếu không kịp thời ngăn chặn, phôi thép hợp kim từ Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khả năng sẽ tăng cao hơn lượng nhập khẩu phôi thép bình quân năm 2015 là 200 nghìn tấn/tháng, sẽ khiến ngân sách thất thu rất lớn và tác động xấu tới thị trường thép trong nước.

Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng nhận định: Về lâu dài, nhằm đối phó hữu hiệu các loại thép hợp kim trá hình, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật như xây dựng các quy định, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn nhập khẩu thép hợp kim nhưng chỉ sử dụng vào các mục đích thông thường, trong đó, phôi thép hợp kim. Trước mắt, đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan dừng thông quan đối với các lô hàng nhập khẩu phôi thép hợp kim chứa cờ-rôm để đợi kiểm tra, giám sát; tăng cường kiểm tra sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh. DN Việt Nam nhập khẩu phôi thép hợp kim về chỉ sử dụng để cán thép xây dựng, phải bị áp mức thuế suất 9% như đối với phôi thép thông thường.

Cuối tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan và VSA nhằm ngăn chặn tình trạng phôi thép hợp kim gian lận thương mại, bảo đảm cạnh tranh công bằng và thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định. Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan, VSA thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi nhập khẩu, sử dụng không đúng mục tiêu đã đăng ký và không bảo đảm các quy định về chất lượng khi đưa vào các công trình xây dựng; đề xuất các giải pháp cả trước mắt và lâu dài (về hàng rào kỹ thuật, hành chính…) để quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại trong nhập khẩu phôi thép; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-11 tới. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thép theo đúng quy định tại Thông tư 4444/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tế và yêu cầu quản lý. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan khẩn trương xem xét, xử lý đề nghị của Bộ Công thương về việc công bố tiêu chuẩn thép, phôi thép nhập khẩu; đồng thời rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thép, phôi thép hiện hành để ban hành bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu quản lý, ngăn ngừa gian lận thương mại trong nhập khẩu phôi thép và thép thành phẩm (trong đó lưu ý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với phôi thép hợp kim, thép xây dựng).

Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp VSA vào cuộc, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các DN nhập khẩu phôi thép hợp kim chứa cờ-rôm Trung Quốc trong thời gian qua. Nếu phôi thép này được sử dụng để cán thép xây dựng thông thường, đề nghị có biện pháp truy thu thuế và xử phạt nặng các đơn vị nhập khẩu. Đối với DN sản xuất thép, phôi thép trong nước, trước sức ép cạnh tranh gay gắt, cần tăng cường áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thép, phôi thép.

Tạm dừng thông quan các lô hàng phôi thép hợp kim

Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu thép, phôi thép; tạm dừng thông quan để kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gian lận thương mại. Các cơ quan cần thống nhất tiêu chí quy định phôi thép hợp kim tính thuế nhập khẩu bảo đảm chính xác, đúng quy định của pháp luật và cam kết quốc tế; xử lý nghiêm sai phạm trong việc nhập khẩu và sử dụng phôi thép; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của pháp luật về chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ trong thương mại quốc tế,…



DiaOcOnline.vn - Theo Báo xây dựng