Top

Đa dạng hóa mô hình nhà ở xã hội tại đô thị

Cập nhật 18/12/2015 13:11

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm "Mô hình nào cho nhà ở xã hội tại đô thị" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức tại TP.HCM ngày 17-12.


Nguồn cung nhà ở xã hội tại các đô thị còn rất ít so với nhu cầu. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có 40% dân số có thu nhập không đủ để mua nhà dù đã có nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lí. Theo WB, hằng năm Việt Nam cần có thêm khoảng 374.000 căn hộ ở các thành phố với số hộ gia đình thành thị ước tính sẽ tăng lên 10,1 triệu hộ vào năm 2020.

Theo kế hoạch phát triển về nhà ở giai đoạn 2011-2015, cả nước sẽ phát triển được khoảng 10 triệu m²về nhà ở, tương đương với khoảng 200 ngàn căn nhà có diện tích trung bình khoảng 50 m²/căn. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả thực hiện đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% kế hoạch với khoảng 38 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp với khoảng 19.680 căn  và 64 dự án nhà xã hội cho công nhân với khoảng 20.270 căn.

Tuy nhiên, theo nhận xét của WB, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng khen ngợi khi thiết lập được một cơ chế linh hoạt và đa dạng về cung ở nhà trên nhiều mảng thị trường nhờ đó duy trì được tỉ lệ nhà ổ chuột rất thấp đối với một đất nước ở giai đoạn phát triển này.

Cùng chung quan điểm như trên, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbringt cho biết, mặc dù khu vực nhà ở đã được quy hoạch chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Tuy nhiên, các khu vực tự phát cũng có chất lượng sống không khác so với các khu vực đã được quy hoạch. Điều này cho thấy thị trường nhà ở của Việt Nam đang vận hành rất tốt. 

Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Thế Du, khảo sát về nhà ở tự xây giá thấp cho thấy, với nhà ở bình thường có giá từ 2 đến 3 triệu đồng/m² thì một căn nhà có diện tích khoảng 50 m² sẽ có giá khoảng từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng, đây là mức chi phí phù hợp với thu nhập của đa số người dân. Điều này cho thấy mô hình nhà ở tự xây cũng là một hướng tiếp cận tốt trong chính sách về nhà ở xã hội tại Việt Nam.

Theo Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, TP.HCM là thành phố của người nhập cư. Tuy nhiên, hiện tại 88% nhà ở cho sinh viên, công nhân là do người dân đầu tư xây dựng. Phần lớn các khu nhà ở này không đảm bảo về an ninh và cũng không có các tiện ích đảm bảo chất lượng cuộc sống cho các đối tượng này. Thời gian gần đây, một số chủ đầu tư cũng đã tham gia vào lĩnh vực này như Nam Long, Hoàng Quân, Lê Thành...

Theo ông Lê Hoàng Châu, cần có sự thay đổi trong các chính sách về nhà ở xã hội.Theo đó, nhà ở xã hội cần thực hiện tại từng quận, huyện và cần thành lập các cụm nhà ở xã hội tại các quận huyện có điều kiện về quỹ đất, cơ sở hạ tầng. Nhà ở xã hội chỉ nên tập trung vào hai loại nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội cho thuê, mua (trả góp). Các chính sách về nhà ở xã hội cũng cần thông thoáng hơn và tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nhà ở xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan