Top

Cuộc đua tầng cao

Cập nhật 17/07/2010 14:20

Cũng như nhiều thành phố lớn, hiện đại khác trên thế giới, chuyện nhà cao tầng ở Hà Nội luôn là đề tài nóng trong vấn đề quy hoạch, xây dựng thủ đô. Và rồi khi “Xây cho nhà cao, cao mãi...”, một Hà Nội building trở thành hiện thực, có nhiều người khen mà cũng lắm người ca thán...

Nhà cao, cao mãi...

Ngày tòa nhà Tungshing Square 15 tầng ở phố Ngô Quyền được cất nóc, người Hà Nội sững sờ mắt thấy tai nghe về một tòa nhà được gọi là cao ốc. Bởi khi ấy, Hà Nội phổ thông với những khu chung cư 5 tầng thấp le te. Tiếp đó, khi khách sạn Melia 20 tầng vút lên, Tungshing Square trở thành chàng lùn đứng bên nàng Bạch Tuyết...

Cuối thập kỷ 90, Khu đô thị mới Linh Đàm trở thành mô hình đô thị mới đầu tiên trong cả nước. Những block chung cư cao tầng mọc trên bán đảo Linh Đàm thay đổi hoàn toàn nhận thức của người dân về thứ được mệnh danh là chung cư - vốn là những tòa nhà 5 tầng không thang máy, ọp ẹp, dột nát, tua tủa “chuồng cọp”. Thế rồi, cao ốc Trung Hòa - Nhân Chính 34 tầng ra đời, cao 136m, hạ mọi “kỷ lục” của building Hà Nội. Trung Hòa - Nhân Chính, nơi đồng không mông quạnh, bao đời là ruộng lúa bỗng được báo chí ngợi ca là phố Tây của thủ đô, với vun vút những building mỏi mắt dòm trời.


Tòa nhà Keangnam đang được hoàn thiện

Rồi một dạo Hà Nội rộ lên tin đồn sẽ có tòa nhà cao nhất nước với 60 tầng tên là Hanoi City Complex. Khi đó mọi người so sánh nó cao gấp 3 lần tòa nhà Deawoo gần đó, nhưng mãi rồi tòa nhà vẫn chưa khởi công. Sau đó, dự án chết yểu và sang tay cho Lotte và bây giờ khu vực đó vẫn là công trường quây kín mít, chưa thấy mọc lên gì cả. Cuộc đua “cao, cao mãi” lại xuất hiện một Keangnam với siêu dự án hơn 1 tỷ USD. Chủ đầu tư đến từ xứ sở Kim chi muốn xây tòa tháp 80 tầng nhưng TP Hà Nội chỉ cho phép 60 tầng. Bộ Xây dựng vào cuộc và cân nhắc xây 70 tầng. Khi được hoàn tất, tòa tháp sẽ là tòa nhà cao nhất Việt Nam và xếp thứ 5 về số tầng.

Không chỉ có Keangnam, hàng loạt dự án khác “nổ súng” theo. Hanoi Plaza với 2 tòa tháp cao 30 tầng, độ sang trọng lên tới 7 sao với các dịch vụ hàng đầu thế giới. Rồi hàng loạt khách sạn, khu chung cư, khu đô thị, văn phòng, đã và đang khởi công mọc lên như nấm sau mưa. Đó là CEO 27 tầng, Handico 39 tầng, Crown Plaza 27 tầng, Diamond Flower Tower 40 tầng, EVN 33 tầng, Usik City, Van Phu (80 tầng), Splendora (60 tầng), Habico 40 tầng, Thành phố giao lưu 45 tầng, Tricon Towers 3 tòa 45 tầng, Ngọc Khánh 30 tầng, FPT tower 27 tầng,...

Keangnam đang lớn vun vút như “Phù Đổng”, bỗng mất “tự tin” khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tung tin sẽ xây tòa tháp 102 tầng cao nhất Việt Nam. Chưa hết, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cũng “nổ” sẽ có tòa tháp hơn 100 tầng... “Cuộc chiến tầng cao” giữa các tòa nhà ở Hà Nội có lẽ là câu chuyện dài không hồi kết.

Hệ lụy


Nói một cách công tâm, những building Hà Nội đã góp phần giải quyết 2 vấn đề rất lớn: chỗ ở cho hàng vạn gia đình và hàng triệu mét vuông sàn văn phòng, trung tâm thương mại cho phát triển kinh tế. Thế nhưng, ở chiều hướng đối trọng, những building đang khiến Hà Nội nhức nhối muôn phần.

Từ xa xưa, những tấc đất quanh Hồ Gươm là “tấc vàng”, nên ai cũng đua tranh kiếm chác. Kết cục, những tòa cao ốc cao ngút trời, bên ngoài ốp những tấm kính đủ màu xuất hiện. Trước chỉ có Vinafood (cao 9 tầng), Tungshing Square (15 tầng)... nay được bổ sung BIDV tower (26 tầng), VCB (22 tầng)… Kinh hoàng và gây ức chế dư luận nhất là tòa nhà “Hàm cá mập”. Những building hiện đại bóp chết một hồ Gươm ngàn năm cổ kính. May mắn thay, nhờ dư luận lên tiếng nên Trung tâm Tài chính Thương mại Điện lực của EVN ở ngay bờ Hồ Gươm chưa được phép “khai hỏa”!

Trung Hòa - Nhân Chính, Nam Trung Yên, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Sông Đà - Mỹ Đình... những building mọc lên nhanh hơn cả sinh sản vô tính. Giờ nhìn lại, tất cả đang biến Hà Nội thành một một rừng bê tông khô khan, lạnh lẽo. Hãy thử hình dung diện mạo của Hà Nội sau mươi năm. Hà Nội sẽ “hiện đại” hơn với những building vút trời. Hà Nội sẽ tấp nập hơn với những trung tâm thương mại sầm uất. Hà Nội cũng sẽ nghẹt thở hơn với hàng triệu dân được gom về những khu đô thị mới. Và, Hà Nội sẽ hy sinh thứ mà vì đồng tiền, người ta đang cố tình không nhớ - nền văn hiến ngàn năm của văn minh lúa nước sông Hồng.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng