Top

Công viên cây xanh “trên giấy”

Cập nhật 20/02/2010 07:25

Một đô thị lớn như TP.HCM không thể thiếu những công viên cây xanh xứng tầm. Nhưng hiện nay, ngoài các công viên đã có từ trước như Lê Văn Tám, Gia Định, Tao Đàn, 23-9…, TP vẫn chưa bổ sung được những công viên có quy mô lớn. Nguyên nhân từ đâu?

Các nhà đầu tư thường “ngó lơ” với dự án công viên cây xanh vì không thu được lợi nhuận.


Những mảng xanh nhỏ tại các tiểu đảo, vòng xoay cũng được tính vào diện tích cây xanh. (Ảnh chụp tại tiểu đảo ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai-CMT8, quận 3). Ảnh: Linh Giang

Thời gian qua, TP.HCM đã lập nhiều dự án xây dựng công viên cây xanh rải khắp các quận, huyện để đáp ứng tiêu chuẩn 7-8 m2 đất cây xanh/người. Tuy nhiên, quy hoạch công viên cây xanh hễ được vẽ ra là gần như cầm chắc bị treo vì nhiều lý do.

Quy hoạch rồi... bỏ đó

Ông Lê Thành Quốc, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3, cho biết hiện quận chỉ có thể trồng những nhóm cây xanh lẻ tẻ trong khu dân cư, tại các tiểu đảo, vòng xoay và dọc đường đi. Trước đây quận cũng có định hướng phát triển công viên cây xanh dọc theo kênh Nhiêu Lộc nhưng nay phải bỏ vì không có kinh phí.

Chỉ tiêu đất cây xanh tại TP.HCM

- Khu vực nội thành hiện hữu: 2,4 m2/người.

- Khu vực nội thành phát triển mới: 7,1 m2/người.

- Khu vực đô thị tại các huyện ngoại thành: 12 m2/người.

(Theo Tờ trình điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 của UBND TP trình Bộ Xây dựng vào ngày 20-8-2009, được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 6-1-2010).
Tại quận 12, cây xanh được trồng rải rác khắp 11 phường, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Theo ông Lê Tấn Tài, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 12, những mảng cây xanh này chỉ có tác dụng làm mát khu dân cư và tạo một phần mỹ quan đô thị chứ không thể coi là một công viên thực thụ.

TP đang thiếu đất trồng cây xanh nhưng có một thực tế là nhiều dự án quy hoạch công viên cây xanh lại đang bị treo. Tại quận 2, dự án khu dân cư An Phú-An Khánh (131 ha) theo quy hoạch sẽ có khoảng 4 ha làm công viên cây xanh, 13 ha làm công viên văn hóa. Nhưng thực tế khu mới chỉ trồng được những mảng cây xanh nhỏ xen kẽ trên đường. Tương tự, các khu dân cư Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây dự kiến có tổng cộng 19 ha đất làm công viên cây xanh nhưng tất cả vẫn đang bỏ trống.

Tháng 6-1999, UBND TP ra quyết định quy hoạch 250 ha đất tại hai phường Thạnh Xuân và Thới An, quận 12 để làm công viên cây xanh. Thế nhưng đến nay dự án này vẫn còn nằm trên giấy do không kêu gọi được vốn đầu tư. Tương tự, nhiều dự án công viên cây xanh ở các quận khác cũng bị treo dài hạn như công viên tại phường 8 (quận 6), phường 15 (Tân Bình), phường Hòa Thạnh (quận Tân Phú), cù lao ấp Doi ở Gò Vấp…

Các quận loay hoay tìm giải pháp

“Bình quân tiền đầu tư cho 1 ha công viên cây xanh khoảng 70 tỉ đồng, nếu chỉ trồng cỏ đơn giản cũng tốn ít nhất 55 tỉ đồng” - Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Phan Tấn Lực ước tính. Chính vì kinh phí làm công viên cây xanh quá lớn trong khi ngân sách không có, kêu gọi đầu tư không ai vào nên mỗi nơi bèn “bơi” một kiểu.

Quận Gò Vấp giải quyết vấn đề kinh phí bằng cách buộc các chủ đầu tư có vi phạm trong quá trình phân lô hộ lẻ trước đây phải mua lại đất cây xanh theo quy hoạch. Đó là những chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định về cây xanh trong dự án. Quận đã ra 16 quyết định buộc chủ đầu tư phải bàn giao đất để xây công viên cây xanh. Ngoài ra, có năm dự án phải bù đất tại vị trí khác do chủ đầu tư đã chuyển nhượng phần đất được quy hoạch làm công viên và các hộ dân đã xây nhà kiên cố trên đó.

Trong buổi giám sát quy hoạch của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP vào tháng 10-2009, lãnh đạo quận 2 đề xuất cần có cơ chế tài chính để buộc chủ đầu tư những dự án “ngon” phải chia sẻ trách nhiệm với những công trình công cộng. Tuy nhiên, đề nghị này gặp khó vì trước nay chưa có cơ chế xác định mức đóng góp cụ thể trong từng trường hợp.

Quận Tân Phú lại đề xuất giải pháp: Trích một phần đất công viên chuyển làm đất ở để lấy tiền bồi thường xây công viên. Ví dụ, tại khu vực có giá đất ở là 10 triệu đồng/m2, tiền bồi thường cho một ha đất nông nghiệp làm công viên cây xanh khoảng 40 tỉ đồng. Nếu cho chuyển 25% diện tích công viên thành đất ở, địa phương có được khoảng 25 tỉ đồng để làm công viên.

Tiêu điểm

200.000

người dân quận 3 không có riêng một công viên cây xanh nào.

Nên có thêm các trò chơi bán vé

"Công viên cây xanh trong dự án thì bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện nhưng còn ở bên ngoài thì thua. Theo tôi, phải xây dựng công viên giải trí vừa có cây xanh, vừa có các trò chơi bán vé thì mới mong thu hút được chủ đầu tư."

Ông Hoàng Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn

Chưa nghe kêu gọi, chủ trương đầu tư công viên

"Trước nay tôi cứ nghĩ đương nhiên nhà nước phải bỏ ngân sách ra làm công viên cây xanh.

Thật tình tôi chưa biết gì về việc kinh doanh công viên cây xanh hay nghe về chủ trương kêu gọi đầu tư, xã hội hóa công viên.

Chủ đầu tư khi đầu tư vào loại hình này thì nguồn thu trở lại như thế nào cũng không rõ. Nếu không có đáp án, khó có thể kêu gọi nhà đầu tư tham gia được."

Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Thủy
 


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP