Sài Gòn Xưa là tên một nhà hàng nổi tiếng ở đường Phạm Ngọc Thạch, và không chỉ có Sài Gòn Xưa mà còn có Phố Xưa hay Phố Cổ nữa. Tất cả các tên “xưa” hay “cổ” ấy đều nhằm gợi lại cho thực khách hoài niệm về một khung cảnh sống của đô thị Sài Gòn xưa mà ngày nay những ký ức về thời gian vẫn còn đang lưu luyến, níu kéo con người về với quá khứ của một thời đã qua.
Mảng biệt thự ở quận 1 và 3 là một trong những mảng kiến trúc đặc sắc của khung cảnh ấy. Đây là khu vực được người Pháp quy hoạch từ nửa cuối thế kỷ 19 theo kiểu châu Âu, khá bài bản với những ô phố vuông vắn và những con đường rợp bóng cây xanh cùng vỉa hè dành cho người đi bộ được tách riêng với làn giao thông xe cộ, khác hẳn với những phố cổ thời nhà Nguyễn trước đây. Từ đó mở ra một thời kỳ phát triển mới của Sài Gòn mà chẳng bao lâu sau đó đã trở thành “hòn ngọc Viễn Đông” xinh đẹp.
Toạ lạc trong các khuôn viên được trồng các loại cây nhiệt đới là những ngôi biệt thự xinh xắn cao hai, ba tầng trông rất hài hoà với cảnh quan xung quanh. Với lối bố cục theo kiểu nhà vườn, các phòng ốc được sắp xếp hợp lý theo từng chức năng riêng biệt và luôn hướng ra sân vườn xung quanh để đón gió mát và ánh sáng tự nhiên.
Giải pháp kiến trúc mặt đứng cũng được quan tâm sao cho phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm bảo đảm các không gian trong nhà luôn thoáng mát. Kiến trúc các ngôi biệt thự này đã góp phần in dấu ấn khá đậm nét lên diện mạo kiến trúc chung của đô thị Sài Gòn xưa và trở thành một trong những khu vực có môi trường sống khá lý tưởng mà cho đến tận bây giờ vẫn là ước mơ của bao người.
Thế mà, cái không gian ấy đang bị tàn phá một cách không thương xót. Trong tiến trình mở cửa và hội nhập, một số biệt thự đã thay đổi chức năng, biến thành các cơ quan, nhà trẻ hoặc nhà hàng sang trọng. Một số khác bị sửa chữa cơi nới một cách chắp vá và làm méo mó so với hình dáng ban đầu của nó. Thậm chí một số biệt thự bị dỡ bỏ để thay vào đó là các toà nhà cao tầng ngạo nghễ. Rất tiếc! Tình trạng này không chỉ xảy ra cách đây chừng chín, mười năm về trước mà còn đang xảy ra ngay bây giờ với tốc độ ngày càng gia tăng.
Không hiểu sao nhận thức về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị ngày một nâng cao, các kiến trúc sư, các nhà quản lý đô thị rất hiểu điều đó. Ấy thế mà các nhà đầu tư vẫn có trong tay các tờ giấy phép xây dựng được quyền phá bỏ những ngôi biệt thự còn đang sử dụng rất tốt để xây các nhà cao tầng. Nếu như trước đây ở khu vực phường 7 quận 3 chỉ được xây dựng nhà cao 9 tầng thì bây giờ được xây nhà cao 26 tầng, gấp ba lần, như ngôi nhà ở cao cấp số 127 đường Pasteur; còn toà cao ốc ở góc đường Pasteur – Nguyễn Đình Chiểu đang xây dựng trên nền một ngôi biệt thự vừa bị phá bỏ mà trước đây đã sửa chữa cho người nước ngoài thuê. Ngay cả nhà hàng Sài Gòn Xưa thì nay cũng đang bị đập phá để xây mới.
Vậy cái gì đã làm thay đổi tư duy các nhà quản lý đô thị như vậy? Phải chăng là do lợi nhuận trước mắt, vì xây nhà cao tầng sẽ cho lợi nhuận nhiều hơn các biệt thự thấp tầng là lẽ đương nhiên. Nhưng cứ cái đà này thì mảng biệt thự ở quận 1 và 3 liệu có còn? Bởi lẽ những ông chủ các ngôi biệt thự khác cũng sẽ làm như thế. Rõ ràng là hiện nay đang xuất hiện một trào lưu như vậy. Nếu không có đối sách kịp thời thì rất nguy hiểm.
Chúng ta đều biết rằng việc xây dựng mới các công trình cao tầng tại khu biệt thự thấp tầng như hiện nay đã làm thay đổi cấu trúc không gian và cơ cấu chức năng của đô thị như nó vốn có. Sự thay đổi này dẫn tới sức ép gia tăng tầng cao và quy mô công trình sẽ đưa đến tình trạng quá tải hạ tầng đô thị như giao thông, cấp thoát nước và đặc biệt là ô nhiễm môi trường; biến những con đường vốn yên tĩnh trở thành phố xá sầm uất như đường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Phạm Ngọc Thạch, v.v… là một ví dụ. Và hậu quả cuối cùng là sẽ đánh mất di sản văn hoá đô thị, những không gian đặc trưng vốn làm nên tính hấp dẫn du khách, nền tảng của phát triển kinh tế.
Được biết hiện nay ở thành phố Hà Nội đã có chủ trương không hoá giá các biệt thự nữa, vì người ta cho rằng một khi đã tư nhân hoá rồi thì khó mà quản lý được. Và gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị cho Hà Nội không được phá các biệt thự để xây nhà cao tầng.
Vậy chúng ta nghĩ sao đây? Chẳng lẽ chúng ta cứ tiếp tục cho phá nốt những gì còn sót lại, phá những không gian đã góp phần làm nên bản sắc của một thành phố, những không gian mà trong đó có những khu phố với những con đường và những toà nhà đã làm nên cái hồn của đô thị. Để rồi những con người của hôm nay và mai sau sẽ phải đến với nhà hàng Phố Xưa hay Phố Cổ để tìm về trong ký ức những hình ảnh của một Sài Gòn xưa, thay vì tận mắt chứng kiến những mảng không gian thực tế đầy sinh động và hấp dẫn.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị