Top

“Cò” nhà đất kể chuyện thất nghiệp

Cập nhật 14/06/2013 14:17

Sự ế ẩm của thị trường bất động sản trong những năm qua đã khiến đội ngũ người làm nghề môi giới bất động sản teo tóp lại. Nguồn thu lớn từ bất động sản năm nào giờ chỉ còn là giấc mơ xa vời, các “cò” (người môi giới) bất động sản hầu hết đã bỏ nghề, số ít bám trụ cũng chật vật mưu sinh.

Rất nhiều địa điểm giao dịch bất động sản đang trong tình trạng cửa đóng then cài như thế này

Phận “cò”

Tháng 6 này là tròn một năm anh M. phải nghỉ việc tại sàn giao dịch bất động sản P.H của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp P.H. Cùng bị nghỉ việc với M. là hàng chục nhân viên môi giới khác và chỉ có 3 người được ở lại là giám đốc, kế toán, một nữ nhân viên là người thân của sếp. Khác với nhiều nơi, sàn giao dịch của công ty này không thể để “sập sàn” là do sàn trực tiếp môi giới bán các căn hộ tại các dự án do công ty làm chủ đầu tư hoặc làm “sân sau” cho các công ty khác. Mất việc, M. đành quay về nghề cung cấp giống cây trồng, cung ứng vật tư xây dựng trước đó từng làm… nhưng chỗ nào cũng lắc đầu. Long đong tìm việc, M. cũng chỉ còn biết đeo đuổi nghề cũ theo cách tự do là xin thông tin nhà đất từ bạn bè trước cùng làm môi giới rồi đăng lên mạng để cầu may. Thế nhưng cả năm rồi cũng chưa môi giới được vụ nào, 2-3 tháng mới có người điện thoại hỏi, mà có khi lại gặp đúng “cò”. Trong số những người nghỉ việc cùng đợt, người vẫn thất nghiệp, có người chuyển sang lao động chân tay, còn 2-3 người quyết bám trụ bằng cách ôm máy tính sang xin làm cộng tác viên ở sàn giao dịch khác. Làm cộng tác viên thì không có lương hay bất kì khoản thu nhập gì từ sàn, nhưng cũng có lợi thế là có được nhiều thông tin và tăng sự tin cậy của khách hàng. Bù lại, khi môi giới được vụ giao dịch nào, “cò” phải trả cho sàn 20% phí môi giới được hưởng. “Những anh em cùng làm nghề này mà tôi biết thì có đến 50% bỏ nghề. Đa số vào nghề này chẳng có bằng cấp gì cả, nên kiếm việc khác cũng khó lắm. Nhiều anh em trẻ ở tỉnh xa buộc phải mưu sinh thì đành bám víu lấy sàn nào đó để chờ cơ hội” - M. chia sẻ.

Cũng trong cảnh bị cho nghỉ việc từ hơn một năm nay, nữ nhân viên Mai H. của sàn giao dịch bất động sản N.C một thời nổi đình nổi đám với chuyện khách hàng phải “cầu” nhân viên. H. than thở: “Bây giờ tìm được việc ở sàn giao dịch bất động sản đúng nghĩa khó như tìm vàng. Trước nhà nhà, người người mở sàn, cửa hàng làm môi giới bất động sản, rồi sau nhà nhà đóng cửa, biết bao giờ mới có được như ngày xưa”. Chưa tìm được việc mới, nhưng H. không tính trở lại nghề này nữa mà đang đi học lấy bằng đại học, vì cho rằng môi giới chỉ là “nghề cơ hội”, “khéo mồm hơn bằng cấp” nên “chết” lúc nào không biết.

Nghề môi giới bất động sản không còn sôi động như trước đây

Sinh nghề lụy nghiệp

Những lúc nghề thịnh, giới “cò” bất động sản “sướng như tiên” vì nhiều khi chỉ cần ăn chênh một giá của giao dịch đã có vài chục triệu trong tay, còn được hưởng hoa hồng cả của người bán lẫn khách mua. Thế nhưng, khi thị trường bất động sản đóng băng, rất nhiều “cò” bị rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì bị cuốn vào làn sóng “ôm” đất, căn hộ chung cư để “lướt sóng”. M và H. đều quả quyết: “100 người làm môi giới thì 98 người cũng tham gia đầu cơ đất. Nhưng thị trường bất động sản sập nhanh quá, ai may mắn lắm mới rút chân kịp, còn đa số đều lún vào, giờ bán rẻ cũng chả ai mua, lãi ngân hàng vẫn phải trả, vốn liếng có từ những vụ môi giới nhà đất giờ “của thiên trả địa” hết”.

Trong dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) mà Bộ Xây dựng đang soạn thảo có quy định cá nhân môi giới, định giá (môi giới nhà đất) phải đăng ký hành nghề và thẻ hành nghề có thời hạn, được phân hạng, thi sát hạch rõ ràng trước khi cấp; cho phép Sở Xây dựng lập sàn giao dịch BĐS với tư cách là đơn vị sự nghiệp hoặc công ty dịch vụ công.

M. kể, cách đây gần 3 năm, mấy anh em cùng sàn góp chung mỗi người hơn 300 triệu để “ôm” một căn hộ tầng 7 của dự án chung cư Hồ Gươm Plaza trên đường Nguyễn Trãi. M. không có đủ số tiền đó nên vay mượn bố mẹ, anh chị em trong nhà. Sau không có tiền để nộp tiếp cho chủ đầu tư, rao bán bằng giá gốc mãi cũng chẳng ai mua, mới đây M. mới bán được với phần lỗ trung bình mỗi người là 85 triệu đồng. Còn Mai H. thì cũng không dưới 3 lần bị mất tiền đặt oan khi tin chắc rằng khách hàng sẽ mua đất nền căn hộ dự án nên ngầm cùng đồng nghiệp chung tiền đặt cọc trước, có đợt quá hạn đặt cọc lại cố thêm một lần gia hạn đặt cọc, thế nhưng không bán được đành chấp nhận bỏ cọc. H. không tiết lộ tiền bị mất, nhưng mỗi lần mất cọc không dưới 50 triệu đồng. Chưa kể đến thời điểm này, H. và đồng nghiệp vẫn còn âm thầm trả tiền lãi cho một mảnh đất tư nhân đã trót mua mà mãi không bán được. Sở dĩ “cò” sẵn sàng chịu “ôm” tiền cọc vì cũng đã từng được hưởng lợi từ việc “ôm cọc”, cũng như chấp nhận nộp phạt vi phạm đặt cọc cho khách hàng đến trước để bán cho khách đến sau với giá cao hơn. Mà đa số trường hợp đều bịa lý do để xin khỏi bị phạt 100% theo giao ước đặt cọc.

Không chỉ nhiều “cò” nhà đất mà có cả những “sàn” môi giới đất tư nhân tự mở cũng trong cảnh “dở sống dở chết” vì bị rơi vào vòng xoáy môi giới lẫn “ôm” đất. Ngay như ở gần thị trấn Trôi (Hoài Đức, Hà Nội), mọi người truyền tai nhau chuyện ông H. thuê một cửa hàng trên mặt Tỉnh lộ 79 (cũ) để giới thiệu bất động sản. Vài lần giới thiệu đất thành công cho người trong nội thành ra mua, ông H. có gần bạc tỷ, thế là sinh ra ăn chơi, cặp kè với phụ nữ trẻ đẹp rồi ly dị vợ. Từ một nông dân, thấy kiếm tiền từ nghề này dễ, ông H. rủ em trai góp vốn bằng ngôi nhà 4 tầng mới xây, còn mình bỏ tiền để lập hẳn “Tập đoàn Tài chính H.H”, vừa cho vay tiền, vừa môi giới, buôn bán đất đai. Sự kiện khai trương “tập đoàn” khiến nhiều người ngưỡng mộ, thế nhưng chỉ khoảng nửa năm sau, khi thị trường nhà đất trầm lắng, “tập đoàn” lặng lẽ tháo biển hiệu, còn anh em chủ “sàn” mâu thuẫn gay gắt về tiền nong, thậm chí ông chủ nghe nói phải đi trốn nợ biệt tăm. Thế mới thấy, nghề môi giới BĐS cũng thật khó tránh khỏi quy luật “sinh nghề tử nghiệp”.
 

"Ở một số nước, sàn giao dịch bất động sản là trung tâm giao dịch, có đủ cả các bên tư vấn, môi giới, công chứng… Không thể coi sàn giao dịch như “cửa hàng” phục vụ bên bán như hiện nay”. - Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam


DiaOcOnline.vn - Theo Giao thông Vận tải