Đánh giá về chủ trương Hà Nội ngừng triển khai xây dựng nhà ở thương mại trong vòng 2 năm tới, GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khẳng định với Đại Đoàn Kết: "Tôi cho đó là điều tốt, biện pháp nhanh nhất để can thiệp vào nguồn cung của địa ốc”.
Xem xét dừng triển khai nhà ở thương mại
UBND Hà Nội vừa hoàn tất dự thảo chương trình nhà ở giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đưa ra chỉ tiêu diện tích nhà ở theo diện thu nhập cao, trung bình và thấp.
Với nhà thương mại, từ nay đến năm 2015, Hà Nội dự kiến tạm dừng, chưa xem xét một số dự án và rà soát các dự án hiện có để phân loại xem dự án nào được thực hiện. Hà Nội cũng tiếp tục quản lý quỹ đất 20% trong dự án nhà thương mại để xây dựng nhà xã hội và áp dụng tỷ lệ chung cư đạt 87%, nhà cho thuê đạt 25% trong các dự án phát triển nhà. Sau năm 2015, thành phố tiếp tục phát triển nhà ở thương mại với tỷ lệ chung cư đạt 89%, nhà cho thuê đạt 30% tại các dự án.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, qua kiểm tra đến nay trên địa bàn có khoảng 655 biệt thự, 574 nhà liền kề và 174 căn hộ chung cư chưa đưa vào sử dụng trong khi thiếu nhà cho người thu nhập thấp, gia đình chính sách, người nghèo.
GS.TS Phạm Ngọc Đăng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cho rằng, hiện mỗi năm Hà Nội chỉ xây dựng thêm 1,5 đến 2 triệu sàn m2 nhà ở mà đã có tình trạng nhà bị ế. Do vậy, kế hoạch đề ra tăng 6 triệu m2 nhà ở mỗi năm đến năm 2020 là không hợp lý. Ông cũng yêu cầu Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ đầu tư không xây dựng hạ tầng trước khi đưa dân vào ở, bởi hiện nay chỉ có khoảng 10% khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải, trường học, nhà trẻ...
GS. Đặng Hùng Võ phân tích với Đại Đoàn Kết, nghịch lý của thị trường BĐS tiếp tục lộ rõ trong giai đoạn kinh tế chuyển đổi. Hiện kho BĐS giá cao tồn đọng gắn với nợ xấu của các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư dự án đã giảm giá hết cỡ nhưng vẫn không có giao dịch; người lao động có nhu cầu rất cao về nhà ở giá rẻ nhưng lại thiếu cung. Lúc này cần giúp các DN về tài chính để vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại cung-cầu trên thị trường; giúp người có thu nhập thấp sớm có nhà ở và giải quyết khối lượng vốn đang tồn đọng trong thị trường BĐS. Do vậy ngừng triển khai xây dựng nhà thương mại trong vòng 2 năm tới là cách can thiệp hợp lý.
Hà Nội cũng chủ trương đối với những dự án nhà ở thương mại đang triển khai dang dở thì khuyến khích chuyển sang nhà ở xã hội. Còn dự án nào chưa triển khai, đang xin giấy phép triển khai thì ngưng. Sau 2 năm, thành phố mới lại tiếp tục triển khai nhà ở thương mại.
Khắc phục tình trạng "Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”
Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, TP sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch, quy mô các dự án BĐS cũng như điều chỉnh tiêu chuẩn định mức các căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ có diện tích nhỏ, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BĐS Đông Đô, Lương Ngọc Lân bày tỏ quan điểm: "Trong giai đoạn cung nhà ở thương mại đang thừa thì quyết định ngừng triển khai xây dựng là điều cần thiết và hợp lý”. Ông Lân nói, thị trường cần phải khắc phục tình trạng người ăn không hết, kẻ lần không ra. Nhu cầu mua nhà của người dân trên địa bàn Hà Nội rất lớn. Hiện nay, số lượng người nhập cư vào địa bàn nhiều, những đối tượng này vẫn muốn có một mảnh đất để cắm dùi.
Song chính ông Lân cũng thừa nhận, khi chính sách thay đổi liên tục, thì bản thân DN phải chạy theo rất vất vả. Tuy nhiên, đứng ở một góc độ khác, một chuyên gia trong ngành địa ốc cho rằng, sợ nhất là nói nhưng không làm được. Trong khi chưa bán được lượng hàng nhà ở thương mại cũ, cho phép khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội thì DN sẽ chạy theo nhà ở xã hội. Trong 2 năm, nhà ở xã hội mọc lên như nấm. Cấu trúc thị trường biết đâu "thừa vẫn hoàn thừa”!