Thông thường trong y học, muốn chữa được bệnh thì phải bắt đúng bệnh, mà muốn bắt đúng bệnh thì thường phải dùng đến kết quả của những cuộc xét nghiệm kỹ lưỡng và chính xác. Vậy các nỗ lực vĩ mô hiện nay nhằm giải cứu cho thị trường BĐS hiện nay liệu đã bắt đúng bệnh?
Cả một khối lượng tiền khổng lồ (thực ra cũng không khổng lồ cho lắm so với nhu cầu thực nhưng cũng đã là lớn so với khả năng của ngân sách) 30 nghìn tỷ đồng được Chính phủ quyết định dành cho việc hỗ trợ thị trường BĐS tựa như việc tiếp đạm cho một cơ thể nằm liệt giường. Tuy nhiên, theo những thông tin mới đây, việc đưa chúng vào thị trường BĐS thật khó khăn. Tại sao vậy?
Lý do thì nhiều vô kể. Nào là nguồn cung nhà ở xã hội chưa nhiều, nào là nhà ở thương mại đủ điều kiện vay còn ít, nào là một số vướng mắc liên quan tới tài sản bảo đảm, công chứng hồ sơ... Vietinbank cho biết đến nay mới ký hợp đồng tín dụng với 66 khách hàng với số tiền cam kết cho vay 20,3 tỷ đồng; Vietcombank ký được 50 khách hàng với số tiền giải ngân 11,7 tỷ đồng. BIDV đã nhận được 23 hợp đồng, nhưng vẫn chưa giải ngân được do vướng ở Bộ Tư pháp… Quả là những con số quá bé bỏng so với nhu cầu thực của thị trường.
Có ý kiến cho rằng hình như các nhà hoạch định chính sách chưa bắt đúng bệnh của thị trường hoặc chưa đánh giá chính xác các yếu tố ảnh hưởng đến con bệnh nên chúng khó tiếp nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Việc này rất quan trọng bởi nếu chẩn đoán sai bệnh thì mọi nỗ lực cứu chữa đều đổ xuống sông xuống biển.
Đến đây, chợt nhớ đến vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) và hậu quả của nó. Có chuyên gia y tế đánh giá rằng những thông số giả mạo sẽ khiến việc chẩn đoán bệnh sai, dễ dẫn đến tai họa khôn lường. Ví dụ, một người bị ngất do đói và tụt đường huyết vào cấp cứu. Kết quả xét nghiệm đường huyết được “nhân bản” từ một người bị bệnh đường huyết thì chỉ số đường sẽ rất cao. Bác sĩ điều trị cấp cứu căn cứ vào kết quả xét nghiệm và chỉ định tiêm insulin thì bệnh nhân sẽ chết ngay tại phòng khám, thậm chí chết khi chưa kịp rút mũi kim ra.
Trở lại thị trường BĐS, trước thực trạng này, mới đây, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở và thị trường BĐS, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban chỉ đạo đã yêu cầu các ngân hàng, các bộ, các địa phương “vướng chỗ nào, cần ra văn bản để tháo gỡ kịp thời ngay”.
Một câu hỏi đặt ra, liệu các thông số của thị trường và môi trường liên quan đến thị trường này đang đặt trên bàn các nhà hoạch định chính sách đã được “xét nghiệm” kỹ càng chưa? Và thực tiễn đang chứng minh rằng, có nhiều thông số quan trọng đến thị trường BĐS vẫn còn đang ẩn mình.