Top

“Chúng ta không thắt chặt cho vay bất động sản”

Cập nhật 29/03/2008 15:00

“Tất cả các chính sách là nhằm tạo dựng cho môi trường thị trường bất động sản phát triển bền vững. Ngân hàng trung ương không ra văn bản gì cấm đoán cho vay” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu lý giải.

Bên lề kỳ họp Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề rất thời sự - chính sách tiền tệ:

Có những ý kiến cho rằng, các giải pháp tài chính Ngân hàng nhà nước đưa ra nhằm chống lạm phát còn “giật cục” gây khó khăn cho hoạt động của các ngân hàng?

Tôi không nghĩ như thế. Năm ngoái, khi tình hình lạm phát xuất hiện, ngày 28/5/2007, Thống đốc Ngân hàng nhà nước lúc đó đã quyết định tăng lượng dự trữ bắt buộc gấp đôi và chỉ có 33 ngày thực hiện, còn hiện nay chúng ta yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc trong 45 ngày để có thời gian thực hiện. Việc phát hành tín phiếu ngân hàng cũng có 35 ngày chuẩn bị. Tôi là người trong ngân hàng và tôi nghĩ các ngân hàng chuẩn bị kịp.

Đến nay, các chính sách ngân hàng đã được các tổ chức tín dụng thực hiện tốt. Thực tế có một vài tổ chức tín dụng có khó khăn, nhưng họ cũng khắc phục được. Vừa qua các tổ chức tín dụng trong nước cũng như nước ngoài đã hưởng ứng chính sách tiền tệ để chúng ta thực hiện kiềm chế lạm phát ngay từ đầu năm.

Với việc phát hành lượng tín phiếu lớn sẽ khiến một năm NHNN phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để trả lãi?

Các nước khi thực hiện chính sách tiền tệ đều phải chấp nhận sự phát sinh chi phí. Nếu như vừa rồi chúng ta tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc nữa sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế, nghĩa là người đi vay chịu. Do vậy, ngân hàng lựa chọn phương án đó sẽ hài hoà khi điều kiện nền kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn.



Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu.

Đã bỏ lãi suất trần huy động vốn nhưng nay NHNN lại quy định lãi suất không quá 12%. Điều này có mâu thuẫn không?

Trong điều kiện thị trường biến động thì kiểm soát của nhà nước phải thực hiện can thiệp. Chúng ta theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Khi có biến động không bình thường thì cần can thiệp nhằm ổn định. Tôi cho rằng điều này là hợp lý và rõ ràng cả xã hội, các ngân hàng đều ủng hộ.

Nhưng trước đây ông từng phát biểu ủng hộ việc tự do hoá lãi suất?

Tự do hoá lãi suất ở đây nhưng trong một chừng mực nào đó vẫn cần có sự quản lý.

Chính phủ vừa chỉ đạo, NHNN phải đưa ra các giải pháp mạnh kiềm chế lạm phát. Vậy giải pháp tiếp theo sẽ là gì?

Mục tiêu năm nay, chúng ta thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng dư nợ cả năm không quá 30% so với năm 2007. Đến nay chúng ta đưa ra chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá, dự trữ bắt buộc, trái phiếu và sẽ điều hành linh hoạt, chủ động. Bây giờ diễn biến của thế giới rất phức tạp chúng ta không lường được, chúng ta phải tiếp tục theo dõi để điều tiết phù hợp.

Thông thường lạm phát gắn với sự mất giá cuả đồng tiền Việt Nam nhưng trong quý I vừa qua, lạm phát lại kéo theo giá trị tăng cao của đồng Việt Nam so với USD. Ông nói gì về điều này?

Chính sách tỷ giá lại là phạm trù khác, chúng ta lấy trị giá của đồng USD đang có xu thế giảm để so sánh thì sẽ khập khiễng.

Vừa qua, các NHTM hạn chế cho vay đối với bất động sản đã ảnh hưởng đến nhà đầu tư và người dân?

Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì chúng ta không thắt chặt cho vay đối với bất động sản. Tất cả các chính sách nhằm tạo dựng cho môi trường thị trường BĐS phát triển bền vững. Ngân hàng trung ương không ra văn bản gì cấm đoán cho vay.

Nhưng các NHTM đã thắt chặt các khoản vay, thưa ông?

Tôi không nghĩ như vậy. Tôi được biết các ngân hàng xem xét rất thận trọng từng dự án, từng khoản vay. Trong trường hợp BĐS cao thì rủi ro cũng cao nên các tổ chức tín dụng họ phải tính toán hết sức chặt chẽ. Điều ấy, sẽ giúp lành mạnh nền kinh tế nhằm giải quyết sự phát triển bình thường.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Trí