Top

Chung cư giá thấp vẫn là vấn đề nóng

Cập nhật 19/01/2010 08:25

Từng căn nhà ở TP.HCM sẽ có lý lịch riêng. Hiện nay, số công trình không có giấy phép vẫn còn chiếm khoảng 8% tổng số công trình được xây dựng.

“Hiện TP.HCM chỉ có thể bố trí nhà ở giá thấp tại các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi… vì nội thành không còn đất. Tuy nhiên, do đất thu hồi hiện phải bồi thường với giá rất cao nên cũng khó có nhà giá thấp.

Qua tết Nguyên đán, Bộ Xây dựng sẽ cùng TP tháo gỡ một số khó khăn trong việc xây nhà cho người thu nhập thấp”. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2010 của Bộ Xây dựng ngày 18-1.

Doanh nghiệp không thích quản chung cư

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các dự án nhà cho người thu nhập thấp, nhất là về vốn đầu tư. Mặt khác, hiện vẫn còn thiếu các chính sách khuyến khích việc phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, ông Hiệp lại chỉ ra cái khó khác: “Hướng dẫn của Bộ Xây dựng về việc làm nhà ở giá thấp còn nhiều cái rối. Theo quy định, doanh nghiệp bán nhà cho người có thu nhập thấp thì phải quản lý nhà đó trong 10 năm, không cho người dân được mua bán tự do. Quy định này làm nhiều doanh nghiệp không khoái, bởi việc chính của họ là đầu tư rồi thu hồi vốn và lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp chỉ đăng ký để khỏi bị thu hồi dự án”.
 

Các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với các dự án chung cư giá thấp với nhiều lý do. Ảnh: HTD


Bên cạnh việc xây nhà giá thấp, vấn đề quản lý các chung cư cũ cũng rất được quan tâm. Cả nước hiện có trên 200 chung cư đã bị xuống cấp với khoảng 10.000 hộ dân đang sinh sống. Đa số chung cư cũ đang được cải tạo, xây dựng lại đều nằm ở các TP lớn và có vị trí đắc địa. Riêng TP.HCM có trên 600 nhà chung cư, tập thể cũ với 33.000 căn hộ được xây dựng từ trước năm 1975. TP đang di dời, tháo dỡ để xây dựng mới sáu chung cư với trên 700 căn hộ.

“Ở tất cả các địa phương, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được triển khai rất chậm. Một số địa phương chưa làm việc này dù có nhiều nhà chung cư như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định…” - đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chỉ rõ.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do công tác quy hoạch cải tạo đô thị của các địa phương chưa đồng bộ. Việc triển khai dự án từ khâu quy hoạch, xác định chủ đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với loại hình dự án cải tạo. Mặt khác, các khu chung cư cũ chủ yếu nằm ở khu vực trung tâm TP, bị khống chế về quy hoạch và mật độ dân cư. Trong khi đó, các chủ đầu tư lại muốn tăng diện tích sàn kinh doanh để cân đối tài chính của dự án.

Vẫn “mệt” vì giấy phép xây dựng

Trong việc cấp giấy phép xây dựng, mặc dù các địa phương đã tổ chức “một cửa” để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả nhưng đây vẫn chỉ là hình thức. Thực chất, người dân và chủ đầu tư vẫn phải mất thời gian, công sức để vượt qua nhiều cửa như: quy hoạch - kiến trúc, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hành lang an toàn giao thông, lưới điện, cấp thoát nước, đê điều…

“Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người dân chấp nhận chịu phạt chứ không xin giấy phép xây dựng. Do đó, số công trình xây dựng không có giấy phép vẫn còn chiếm khoảng 8% tổng số công trình được xây dựng” - Vụ Quản lý hoạt động xây dựng nêu thực trạng.

Ngoài ra, tỉ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết tại các đô thị còn thấp, không đồng đều giữa các vùng miền dẫn tới tình trạng cấp phép xây dựng và quản lý sau cấp phép gặp rất nhiều khó khăn. Vụ Quản lý hoạt động xây dựng nhấn mạnh: “Việc cấp giấy phép tạm thời ở nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân ở khu vực chưa thực hiện quy hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều địa phương chưa có quy định về cấp giấy phép xây dựng tạm”.
 

Làm lý lịch cho nhà

UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng TP lập cơ sở dữ liệu về các công trình nhà ở trên địa bàn. Như vậy, sắp tới từng căn nhà, công trình ở TP đều sẽ có lý lịch riêng với các thông tin cụ thể như thực trạng căn nhà, có tuổi thọ bao nhiêu năm, đã qua bao nhiêu chủ, bảo trì như thế nào…

 

Chất lượng nhiều đồ án quy hoạch thấp

Nhiều đồ án quy hoạch chất lượng còn thấp, tính dự báo kém nên phải điều chỉnh trước thời hạn. Có nhiều đồ án quy hoạch xây dựng không lập đủ số lượng bản vẽ quy hoạch, không công khai quy hoạch chi tiết. Việc sửa đổi, bổ sung quy hoạch chi tiết vẫn còn tùy tiện, nhiều trường hợp không đúng quy định.

Ông Cao Lại Quang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Nhiều “mối” nên khó quản

Việc quản lý nhà đất, đặc biệt là quản lý công sở ở TP.HCM còn nhiều thiếu sót. Tại TP có thực tế là một công trình lại có thể do nhiều đầu mối cùng tham gia quản lý như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Phát triển kinh doanh nhà TP và quận, huyện sở tại. Trong khi đó, theo chỉ đạo của UBND TP thì việc quản lý công trình xây dựng phải tập trung vào một đầu mối là Sở Xây dựng TP.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP