Tháng Ngâu, giao dịch căn hộ ế ẩm nhất là dự án có tiền chênh; Chậm trễ trong việc cấp sổ đỏ chung cư; Từ 1/9, xây nhà từ 7 tầng phải báo cáo Sở Xây dựng; Kiến nghị cấp 2.000 tỷ đồng/năm xây nhà cho người có công… là những tin BĐS nổi bật tuần qua.
Ế ẩm dự án chung cư có tiền chênh
Dù các chủ đầu tư, nhà phân phối vẫn tích cực ra hàng, nhưng quan niệm kiêng kỵ mua nhà trong tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch) vẫn phổ biến, khiến giao dịch thị trường địa ốc trầm lắng hẳn, đặc biệt là tại các dự án hút hàng trước đó.
Đầu tháng 7, dự án Green Stars trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) được mở bán với giá khá hấp dẫn, từ 19,5 - 20 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, việc Dự án được đơn vị phân phối độc quyền bán ra với mức giá chênh quá cao so với giá gốc, khoảng 23,5 triệu đồng/m2, khiến không ít nhà đầu tư hụt hẫng.
Dự án chung cư ế ẩm trong tháng cô hồn
|
Cũng giống với căn hộ Dự án Green Stars, hàng loạt dự án căn hộ có tiền chênh trên thị trường thời gian gần đây đã giảm giá mạnh, khi mức độ quan tâm không còn lớn như trước.
Tại Dự án HH4 Linh Đàm của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, tại đợt mở bán cách đây không lâu, nhiều nhà đầu tư mua vào với mức chênh lên đến 130 - 140 triệu đồng/căn hộ có vị trí góc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã phải rao bán với tiền chênh chỉ khoảng 100 triệu đồng/căn.
Tại một số dự án có tiền chênh như CT1 Trung Văn, 136 Hồ Tùng Mậu của Vinaconex 7, từng rất thu hút khách hàng, giá bán có lúc được đẩy lên chênh lệch so với giá gốc từ 150 - 200 triệu đồng/căn, nay giá cũng giảm mạnh, trong khi giao dịch không sôi động như trước.
“Sổ đỏ” chung cư: Sống chết mặc bay
Hiện nay việc cấp sổ đỏ vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào chủ đầu tư. Người dân muốn tự mình làm sổ đỏ, nhưng chủ đầu tư không cho rút hồ sơ thì cũng chịu.
Gia đình chị Hoàng Thị Liên (đường Láng, Hà Nội) đang phải nhìn đồng tiền đáng lẽ được thu về đang ra đi từng ngày. Đầu tư vài căn chung cư để cho thuê từ vài năm nay, thế nhưng đến thời điểm này ngoài hợp đồng mua bán ký với chủ đầu tư, gia đình chị chưa được bên bán thực hiện nghĩa vụ làm thủ tục cấp sổ đỏ.
Điều đáng nói là để đầu tư những căn hộ này, gia đình chị Liên lên phương án dùng tiền tích cóp đồng thời vay lãi ngoài một thời gian với lãi suất cao. Sau đó, khi được cấp sổ đỏ sẽ thế chấp căn hộ vào ngân hàng để vay với lãi suất thấp hơn, tất toán khoản vay trước và trả dần tiền vay ngân hàng. Thế nhưng chờ mãi mà sổ đỏ chả thấy đâu trong khi tiền vay lãi ngoài quá cao, tiền cho thuê nhà không đủ để bù đắp.
Cũng với cảnh bỏ ra cả tỷ đồng để sở hữu nhà nhưng chưa được cấp sổ đỏ, vợ chồng chị Mai - anh Tiến (Thái Bình) đang tỏ ra ngán ngẩm không kém. Cách đây 2 năm, anh chị chuyển công tác lên Hà Nội. Để thuận lợi cho công việc, vợ chồng bàn nhau mua một căn hộ ở khu đô thị mới bên quận Long Biên. Thế nhưng cũng từ đó đến nay, chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thiếu sổ đỏ cho nên gia đình anh chị gặp nhiều vướng mắc trong việc nhập hộ khẩu, con cái vẫn thuộc diện học “trái tuyến” với chi phí nộp cho trường, lớp khá cao...
Việc sử dụng ngôi nhà làm tài sản thế chấp để vay vốn làm ăn cũng không được ngân hàng chấp nhận. Anh chị đã tính đến chuyện chuyển nhượng ngôi nhà, nhưng bị khách hàng ép giá do chưa có sổ đỏ.
Một trong những lý do khiến việc cấp sổ đỏ chậm là bởi chủ đầu tư chưa có tinh thần trách nhiệm trong việc làm hồ sơ cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn gây khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ, xuất hóa đơn và xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính của khách hàng, cũng như việc chậm cung cấp hồ sơ pháp lý để khách hàng hoàn tất thủ tục làm sổ đỏ.
Từ 1/9, xây nhà từ 7 tầng phải báo cáo Sở Xây dựng
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 10/2014/TT-BXD quy định một số nội dung về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ.
Theo đó, từ 1/9, những trường hợp xây dựng nhà từ 7 tầng trở lên phải gửi hồ sơ thiết kế đến cơ quan chuyên môn về xây dựng địa phương để thẩm tra thiết kế và phải báo cáo lên Sở Xây dựng.
Đồng thời, ngay sau khi khởi công, chủ nhà phải gửi báo cáo đến Sở Xây dựng thông tin công trình, gồm: tên và địa chỉ liên lạc của chủ nhà, địa điểm xây dựng, quy mô và tiến độ thi công dự kiến của công trình.
Chung cư từ 5 tầng phải có thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy
Theo quy định của Nghị định, từ ngày 15/9/2014, 20 loại công trình, dự án phải được cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, trong đó có dự án quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; trường đại học, cao đẳng, trường nghề…
Bên cạnh đó, trường phổ thông có khối tích 5.000m3 trở lên, nhà trẻ, mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; bệnh viện cấp huyện trở lên và cơ sở y tế có quy mô 21 giường trở lên; trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim…có sức chứa từ 300 chỗ ngồi trở lên, sân vận động ngoài trời có sức chứa từ 5.000 chỗ ngồi trở lên, vũ trường, nhà chung cư cao 5 tầng trở lên; trụ sở cơ quan hành chính nhà nước cấp xã trở lên…cũng phải được duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy.
Kiến nghị cấp 2.000 tỷ đồng/năm xây nhà cho người có công
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 4/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, theo Quyết định 22/2013 của Thủ tướng, trong năm 2013 Nhà nước thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho hơn 71.000 hộ gia đình có công với cách mạng với mức kinh phí mà ngân sách hỗ trợ đối với trường hợp phải xây dựng mới nhà ở là 40 triệu đồng/hộ; đối với trường hợp sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở là 20 triệu đồng/hộ.
Theo đó, tổng số hộ cần hỗ trợ là 335.253, trong đó số hộ cần xây dựng mới nhà ở là 160.331 hộ; số hộ cần sửa chữa, cải tạo là 174.922 hộ. Tổng số tiền cần thực hiện hỗ trợ là hơn 10.537 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ là 9.912 tỷ đồng.
Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng kiến nghị tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 22/2013 của Thủ tướng trong 4 năm, từ 2015 đến 2018 để hỗ trợ nhà ở cho số lượng người có công với cách mạng mà các địa phương đã phê duyệt đề án.
Bộ cũng đề nghị Bộ Tài chính cấp số kinh phí hỗ trợ được Chính phủ bổ sung năm 2014 khoảng 800 tỷ đồng để các địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ trong năm 2014.
Đối với đoàn giám sát, Bộ kiến nghị đoàn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo Quốc hội tiếp tục phân bổ vốn từ ngân sách trung ương để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho số người có công với cách mạng mà UBND các tỉnh, thành phố đã phê duyệt trong đề án và báo cáo Trung ương. Dự kiến trong 4 năm, từ năm 2015 - năm 2018, mỗi năm cấp khoảng 2.000 tỷ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet