Top

Chưa rõ cách “xóa án” nhà xây trái phép

Cập nhật 10/09/2009 09:55

Người dân nộp hồ sơ xin tồn tại nhà trái phép trước kia ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Ảnh: HTD.

Tuần sau, Sở Xây dựng sẽ họp và giải đáp thắc mắc của quận, huyện chứ không ra văn bản hướng dẫn.

Sau khi Báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Hàng ngàn căn nhà xây trái phép có thoát?” về việc Thông tư 24 hướng dẫn Nghị định 23 về xử lý vi phạm xây dựng “tha” cho những trường hợp vi phạm trước 1-5-2009, nhiều người dân cho biết rất vui mừng về việc này.

Mừng nhưng... “phải làm sao?”

“Đọc báo thì tui biết nhà tui có thể được làm giấy tờ, mấy năm nay hồ sơ đã phải ách lại để chờ” - bà Lê Ngọc Nương, ngụ 125/158/D2 Nguyễn Thị Thập, quận 8, bày tỏ. Bà Nương cho biết căn nhà trên xây dựng không phép trên đất ở vào năm 2005, phù hợp quy hoạch khu dân cư, đã bị xử phạt, chưa được làm giấy hồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Nhã, chủ căn nhà 145/23B Đỗ Xuân Hợp, quận 9, thì thắc mắc: “Trường hợp nhà tôi xây dựng sai giấy phép, có xây thêm một phòng làm lố diện tích, không lấn chiếm đất của ai, vẫn nằm trong khuôn viên nhà. Tôi xây từ tháng 11-2008, nay Thông tư 24 cho phép phần này được giữ lại. Vậy tôi muốn làm thủ tục hợp thức hóa như thế nào?”.

Điều quan trọng là khi thực hiện theo Điều 15 của Thông tư 24 thì người dân có phải làm thủ tục gì không? Hầu như mọi người đều mù mờ về vấn đề này. “Đọc báo thì tôi biết thông tin nhà xây sai phép như của tôi được tha nhưng tôi không biết phải làm gì, nộp hồ sơ ở đâu để được giải quyết” - bà Nương hỏi.

Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM vào chiều ngày 9-9, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phan Đức Nhạn vẫn khẳng định: Thông tư 24 có hiệu lực là phải thực hiện ngay, Sở sẽ không có một văn bản hướng dẫn về trình tự thủ tục, như hồ sơ xin tồn tại công trình theo QĐ 207 trước đây. Quận, huyện chính là đầu mối để xem xét từng trường hợp cụ thể, nếu có vướng mắc gì thì tiếp tục trao đổi, hỏi Sở.

Quận, huyện: Cứ chờ hướng dẫn

Các cơ quan thanh tra xây dựng quận, huyện cho biết vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng. Được biết Phòng Tài nguyên và Môi trường của một số quận, huyện như Bình Chánh, Bình Thạnh, Tân Phú... vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy của những trường hợp thuộc dạng được “xóa án”.

Trao đổi với người viết, lãnh đạo các quận, huyện cũng bày tỏ chưa thể trả lời ngay câu hỏi thủ tục sẽ thực hiện như thế nào. Phó Chủ tịch UBND quận 12 Trần Ngọc Hổ phân tích: “Nếu nhà đã có quyết định xử phạt vi phạm do xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1-7-2004 thì chắc chắn quận phải chủ động điều chỉnh quyết định. Thông tư 24 là chủ trương, là căn cứ để điều chỉnh quyết định xử phạt cũ chứ không phải đương nhiên những quyết định xử phạt trước đó bị mất hiệu lực”. Trình tự, thủ tục như thế nào thì ông Hổ cho biết quận sẽ họp với các phòng. ban liên quan và sẽ giao thanh tra xây dựng làm đầu mối xử lý.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Trọng Tuấn cho hay huyện giao cho thanh tra xây dựng làm việc với xã, thị trấn để tổng hợp tình hình về nhà xây dựng sai phép, không phép trước ngày 1-5-2009. “Không chỉ xem xét về nguồn gốc, thời điểm tạo lập nhà đất mà còn điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng nhà. Từ đó huyện sẽ quyết định từng trường hợp cụ thể”. Theo ông Tuấn, Thông tư 24 đã có hiệu lực thì đương nhiên áp dụng nhưng có những điều chưa rõ thì vẫn phải cần hướng dẫn. Quận Bình Thạnh cũng chỉ mới có thể thông tin chung chung rằng “sẽ giao cho thanh tra xây dựng”.

Ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết tuần sau Sở sẽ họp với các quận, huyện để trao đổi nghiệp vụ. Quận, huyện có thắc mắc gì xung quanh việc thực hiện Điều 15 sẽ được giải đáp. Hy vọng đến khi đó, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP