Top

Chọn trọng điểm để tập trung đầu tư

Cập nhật 19/05/2009 09:50

Khu công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc, đường sắt cao tốc Bắc - Nam và đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ là ba dự án lớn, trọng điểm mà phía Nhật Bản tập trung tài trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thời gian tới.

Điều này được xác nhận cụ thể trong Dự thảo Kế hoạch viện trợ cho Việt Nam, mà Nhật Bản đang xây dựng và đã chuyển cho phía Việt Nam thảo luận.

“Coi trọng quan hệ đối tác chiến lược, Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện ba dự án này, với tầm nhìn dài hạn”, ông Honsei Kozo, Trưởng đoàn Nhật Bản sang Việt Nam lần này để đối thoại về chính sách ODA cho biết. Theo ông, báo cáo tiền khả thi Dự án KCNC Hòa Lạc đã được Nhật Bản hoàn thành và chuyển cho phía Việt Nam. Tuần trước, Báo cáo này đã được đệ trình Bộ Khoa học và Công nghệ; trong tuần này, sẽ được đệ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo báo cáo tiền khả khi cuối cùng của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), thì tổng mức đầu tư cho KCNC Hòa Lạc sẽ vào khoảng 73 tỷ yên, trong đó phía Nhật Bản dự kiến tài trợ 59 tỷ yên vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng, còn phía Việt Nam đóng góp 14 tỷ yên. Dự án này dự kiến bắt đầu được thực hiện trong năm nay, cơ bản hoàn thành vào năm 2015 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2020.

Trong tổng số 1.036 ha xây dựng KCNC (tổng diện tích quy hoạch là 1.536 ha), Ban quản lý KCNC Hòa Lạc sẽ dành 20-25 ha cho khu doanh nghiệp nhỏ và vừa của doanh nghiệp Nhật Bản. Trong khi đó, với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các điều tra về chiến lược phát triển giao thông ở Việt Nam đã hoàn tất và dự kiến vào tháng 12 năm nay, JICA sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này.

Trước khi một kế hoạch dài hơi được thực hiện, tháng 3 vừa qua, hai bên đã ký kết thỏa thuận nhằm triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn TP.HCM - Dầu Giây). Còn với Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ông Honsei Kozo cho biết, Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Việt Nam một khi các kế hoạch khả thi của Dự án được xem xét một cách cụ thể.

Bày tỏ mong muốn phía Việt Nam nhanh chóng phê chuẩn báo cáo tiền khả thi Dự án KCNC Hòa Lạc, ông Honsei Kozo cũng nhấn mạnh rằng, phía Việt Nam phải xem xét và chọn lựa các ưu tiên, nhất là với dự án trung tâm công nghệ vũ trụ trong KCNC Hòa Lạc. Việt Nam cũng phải đóng vai trò chủ đạo trong việc di dân tái định cư, di dời các cơ quan nghiên cứu và trường đại học, cũng như hoàn chỉnh chính sách để tăng cường thu hút đầu tư vào KCNC Hòa Lạc.

Không chỉ với các dự án này, quan điểm được phía Nhật Bản đưa ra trong Dự thảo Kế hoạch là Việt Nam phải lựa chọn một cách tập trung các dự án để làm sao sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA. “Do ngân sách còn hạn chế, Việt Nam phải lựa chọn và cân bằng các mục tiêu trọng điểm”, ông Honsei Kozo nói.

Quan điểm trên đã nhận được sự đồng thuận từ phía Việt Nam, theo đó, Việt Nam sẽ dành sự ưu tiên cho những dự án đang thực hiện, đang cần vốn để tiếp tục thực hiện, những dự án quy mô lớn mà Thủ tướng Chính phủ hai nước đã ký kết. “Quan điểm của chúng tôi cũng là lựa chọn tập trung, những dự án đã sẵn sàng. Dự án quy mô lớn có thể phân kỳ, hoặc có thể kết hợp các nguồn vốn khác nhau theo mô hình hợp tác công - tư (PPP)”, ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh.

Một trong những điểm mới của Dự thảo Kế hoạch lần này là ngoài những lĩnh vực mà nhiều năm nay, Nhật Bản vẫn viện trợ cho Việt Nam, như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc tế, nâng cao năng lực quản lý hành chính, cải thiện đời sống xã hội… sẽ có thêm một lĩnh vực được phía Nhật Bản tập trung đầu tư trong thời gian tới.

Đó là bảo vệ môi trường. Cụ thể là Nhật Bản sẽ hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo hệ thống cung cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải… ở Việt Nam. Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc tế, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển khu vực tư nhân; cung cấp tài nguyên và năng lượng ổn định; phát triển đô thị, xây dựng hệ thống giao thông - vận tải và thông tin…

Dự thảo Kế hoạch viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam, theo ông Honsei Kozo, được xây dựng dựa trên các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 và thoát khỏi tình trạng nước có thu nhập thấp vào năm 2010; nâng cao đời sống người dân, phát triển bền vững...

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư