Theo kế hoạch, cầu Phú Mỹ sẽ được hợp long nối liền đôi bờ giữa quận 2 và quận 7 vào hôm nay, 19-5 - đúng dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh Bác Hồ. Sự kiện cây cầu dây văng đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn hợp long không những đánh dấu sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM mà còn đánh dấu mốc quan trọng: Lần đầu tiên một công trình giao thông trọng điểm đã rút ngắn được tiến độ thi công 4 tháng.
Tất cả đã sẵn sàng
Được sự cho phép của nhà thầu, chúng tôi đi bộ từ đầu cầu bên quận 7 sang phía quận 2 để ghi nhận. Đứng ở giữa cầu, ở độ cao gần 50m so với mặt sông, nhìn phía dưới sông Sài Gòn tàu thuyền ngược xuôi qua lại như một bức tranh thủy mặc. Xa xa là khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới Thủ Thiêm đang mọc lên những tòa cao ốc đồ sộ.
Trên công trường, vào thời điểm này vẫn khá nhộn nhịp. Các tốp thợ chia ra từng nhóm để thực hiện các công đoạn cuối như lắp dải phân cách, lan can cầu, thu dọn các nguyên vật liệu để chuẩn bị cho ngày hợp long. Đứng từ khu đô thị Nam Long nhìn lên cầu Phú Mỹ mới thấy hết vẻ đẹp của cây cầu, chúng như 2 cây dù khổng lồ in hình lên bầu trời.
Anh Dương Hoàng Hiệp, cán bộ Phòng Kỹ thuật Công ty BOT cầu Phú Mỹ cho biết, đến thời điểm này, cầu Phú Mỹ đã hoàn thành được trên 92% tổng khối lượng thi công. Phía quận 7, phần cầu chính đã hoàn thành 100% trụ neo, cọc trụ tháp, đổ hoàn tất hợp long phía bờ và đốt thứ 17 của sàn cầu chính, hoàn tất dải phân cách và lề bộ hành.
Phần cầu dẫn cũng đã hoàn tất các công việc chính và đã đổ bê tông bản mặt cầu đến nhịp thứ 17. Phần đường đầu cầu cũng đã được đổ bê tông. Phía quận 2, hiện nay các công đoạn cũng đang trong giai đoạn hoàn tất, kể cả việc giải tỏa 12.000m2 đất để xây dựng trạm thu phí…
“Đến thời điểm này chỉ còn một ô nhỏ ở đốt cuối cùng là coi như xong các hạng mục chính của cầu. Phần còn lại chỉ là thi công lan can cầu, dải phân cách, trải thảm nhựa bê tông, làm đèn chiếu sáng, đèn trang trí nữa là có thể thông xe vào ngày 2-9” - anh Hiệp cho hay.
Đặc biệt, chủ đầu tư sẽ chi khoảng 1 triệu USD để lắp đặt hệ thống chiếu sáng cầu Phú Mỹ. Theo đó, sẽ mời chuyên gia thiết kế chiếu sáng của Pháp (từng thiết kế chiếu sáng tòa tháp đôi của Malaysia; tháp truyền hình Thượng Hải - Trung Quốc) đến thiết kế và lắp đặt hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cho cầu.
Anh Bình, công nhân thuộc Công ty Bê tông 620 Châu Thới, cho biết thêm: “Anh em đang khẩn trương và đặt quyết tâm để đẩy nhanh tiến độ công trình. Ngoài mặt chất lượng thì an toàn lao động tại công trường được đặt lên hàng đầu. Với công nhân Việt Nam, được thi công những công trình lớn như thế này chúng tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu. Chúng tôi rất vui và tự hào vì mình đã góp phần làm nên cây cầu lớn nhất, hiện đại nhất TPHCM, tính đến thời điểm này”.
Giảm tải phương tiện vào nội ô
Cầu Phú Mỹ hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm áp lực các tuyến đường ở nội ô TPHCM. Mặt khác, khi cầu Phú Mỹ thông xe thì từ miền Tây Nam bộ đi miền Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc có thể đi thẳng từ đường Nguyễn Văn Linh qua cầu theo đường Vành đai phía Đông ra xa lộ Hà Nội (đoạn ở gần cầu Rạch Chiếc) sẽ rút ngắn được thời gian.
Bên cạnh đó, quốc lộ 1A vốn đang đảm đương một lượng khổng lồ xe cơ giới các loại lưu thông ở phía Tây thành phố sẽ được giảm tải nhờ có đường vành đai phía Đông. Việc sớm đưa cầu Phú Mỹ vào sử dụng còn góp phần làm giảm áp lực giao thông qua cầu Sài Gòn bởi luồng xe tải ra vào các cảng biển ở quận 4 và quận 7 sẽ không đi vào các đường trung tâm trong nội thành mà đi thẳng từ xa lộ Hà Nội qua cầu Phú Mỹ.
Thế nhưng, điều đáng nói là hiện nay 3 dự án kết nối lên cầu vẫn còn dở dang. Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ cho biết, nếu 3 dự án kết nối lên cầu chưa xong thì sẽ thực hiện phương án tổ chức giao thông tạm thời như sau: Xe từ đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) sẽ theo đường Nguyễn Lương Bằng, ra đường Huỳnh Tấn Phát, đi lên cầu sang quận 2 kết nối với liên tỉnh lộ 25B và ra xa lộ Hà Nội. Phía quận 2 qua, sau khi qua cầu Phú Mỹ sẽ ra đường Huỳnh Tấn Phát và ra đường Nguyễn Văn Linh... Theo chủ đầu tư, sau khi thông xe vào ngày 2-9 một tháng sẽ tổ chức thu phí (có khả năng thu phí cả xe 2 bánh).
Cầu Phú Mỹ có chiều dài hơn 2km, trong đó nhịp chính dài 380m, rộng 27,5m với độ tĩnh không thông thuyền là 45m nối quận 2 và quận 7. Tổng đầu tư trên 2.077 tỷ đồng. Cầu được khởi công vào tháng 9-2005, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào ngày 31-12-2009. Tuy nhiên, chủ đầu tư chắc chắn sẽ thông xe vào ngày 2-9-2009, vì nếu chậm 1 ngày nhà thầu sẽ bị phạt 50.000 USD. Công trình do nhà thầu Bilfinger Berger (Đức), tổng thầu của dự án, cùng với các nhà thầu khác là Baulderstone Hornibrook (Australia), Freyssinet International et Companie và Arcadis (Pháp) thi công.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng