Top

Chất lượng nhà tái định cư: kém vì “vô chủ”

Cập nhật 24/10/2008 14:00

Cùng trong một Khu đô thị mới (KĐTM), khu nhà kinh doanh thì sạch đẹp, khang trang do luôn được bảo trì, bảo dưỡng, còn khu nhà tái định cư (TĐC) thì xộc xệch, nhem nhuốc.

Một bên thì từ vỉa hè đến bồn hoa, thảm cỏ được chăm sóc, tỉa xén kỹ càng, trông đẹp mắt, một bên cỏ dại mọc um tùm, vỉa hè nham nhở do gạch bị bong, tường thấm bẩn, vương vất những bọc rác lớn bé. Ở khu nhà kinh doanh không có chuyện ai thích phá gì thì phá, rác để đâu cũng được. Còn ở các khu nhà TĐC chuyện hỏng hóc xảy ra thường xuyên. Đó là hệ quả của sự “vô chủ”.

Vấn đề chất lượng nhà cũng như cung cách trong quản lý ở các khu nhà TĐC đã trở nên bức xúc với những phản ánh, kiến nghị của người dân. Theo nhận định của các chuyên gia, chúng ta cần có những chế tài phù hợp, rõ ràng hơn về đầu tư, quản lý, và sử dụng nhà TĐC.

Nhà kinh doanh, nhà TĐC - “Một trời một vực”


Trong nỗi bức xúc, chị Nguyễn Thu Hằng sống tại nhà A1 khu TĐC Đền Lừ phản ánh: Ngay khi chuyển đến căn hộ trên tầng 11, chị đã phát hiện những vấn đề về chất lượng nhà: trần nhà thấm loang lổ, vữa bong từng mảng, nền gạch lát cũng rộp lên…

Mặc dù khu nhà vẫn đang trong thời gian bảo hành nhưng khi chị yêu cầu BQL khu nhà đến khảo sát để sửa chữa thì 5 lần 7 lượt chẳng thấy, cuối cùng gia đình chị phải tự làm lấy. Những “vấn đề” về chất lượng cũng như công tác quản lý trong khu nhà ngày càng phát sinh.

Nhiều hỏng hóc, sự cố như cháy bóng đèn, thang máy hỏng, tắc ống rác, không bơm nước… xảy ra thường xuyên và người dân cũng phải 5 lần 7 lượt kiến nghị mới được giải quyết. Cũng do sự vô trách nhiệm của nhân viên quản lý khu nhà đã ngày càng dẫn đến những tùy tiện của người dân. Các nhà có thể thoải mái làm lồng sắt, đua ban công, thậm chí là phá tường để thay đổi kiến trúc bên trong nhà…

Cũng trên địa bàn Q.Hoàng Mai, cùng trong một KĐTM Định Công cũng phản ánh rõ sự khác biệt: Bên cạnh những khu nhà kinh doanh sạch đẹp, khang trang do luôn được bảo trì bảo dưỡng là những khu nhà TĐC thật lạc lõng bởi sự xộc xệch, nhem nhuốc.

Một bên thì từ vỉa hè đến bồn hoa, thảm cỏ… được chăm sóc, tỉa xén kỹ càng, trông đẹp mắt, một bên cỏ dại mọc um tùm, vỉa hè nham nhở do gạch bị bong, tường thấm bẩn, vương vất những bọc rác lớn bé… Đặc biệt hơn là cung cách quản lý cũng khác hẳn nhau.

Ở các khu nhà kinh doanh, đội ngũ nhân viên ngoài việc được trang bị về chuyên môn, họ còn có kiến thức xã hội, cách ứng xử với người dân… Với những quy định nghiêm ngặt trong quản lý, ở các khu nhà kinh doanh không có chuyện ai thích phá gì thì phá, rác để đâu cũng được… Còn ở các khu nhà TĐC chuyện hỏng hóc xảy ra thường xuyên, ống rác bốc mùi cứ việc vứt xuống sân tầng 1... Nhân viên quản lý chỉ khi có việc gì hỏi mới biết…

Và sự bất cập của một mô hình


Hiện nay, đa số các địa phương, đặc biệt là Hà Nội đều thực hiện theo hình thức chủ đầu tư các dự án nhà TĐC là các BQL của một dự án, hoặc của một quận, huyện nào đó. Xây nhà xong, đưa dân đến, bàn giao cho Cty quản lý nhà (Cty Nhà nước), thế là coi như họ hết trách nhiệm.

Khi xảy ra sự cố hỏng hóc công trình, người dân chỉ biết kêu với nhân viên quản lý khu nhà. Quản lý khu nhà lại đổ cho đơn vị thi công, đơn vị thi công lại bảo tìm chủ đầu tư (do công trình đã hết thời gian bảo hành)… Chủ đầu tư (nếu còn) thì bảo đã hết trách nhiệm vì dự án đó đã bàn giao. Cứ như vậy chẳng biết trách nhiệm thuộc về ai.

Đại diện một đơn vị quản lý nhà TĐC còn ca thán: Có những khu nhà chưa hoàn thiện hết, thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy, điện, nước chưa đầy đủ, các BQL đã đòi bàn giao đưa dân vào ở để nhanh chóng GPMB.

Hoặc có những khu nhà bỏ không từ 2 - 3 năm, hết thời gian bảo hành mới đưa dân vào ở. Khi đơn vị quản lý tiếp quản, nhiều hạng mục bị xuống cấp. Dân kêu, đứng ra sửa chữa, bảo dưỡng thì không có kinh phí vì phí thu quá thấp, không đủ chi, tìm chủ đầu tư thì “lặn mất tăm”, thậm chí có BQL chủ đầu tư lúc đó đã giải tán từ lâu.

Phải thay đổi quan niệm “nhà TĐC”


Đó là khẳng định của ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khi trao đổi về vấn đề chất lượng nhà TĐC. Ông Chủng cho rằng, chúng ta vẫn nêu ra chủ trương mang lại cuộc sống ổn định, tốt hơn cho những người dân phải di dời GPMB, bởi họ phải hiến phần đất (thậm chí là nhiều đời ông cha đã ở) cho sự nghiệp phát triển chung của xã hội.

Vậy tại sao họ cứ phải ở tại những khu nhà bị coi là rẻ tiền, là chất lượng kém? Ông Chủng lý giải: Chỉ khi nào chất lượng công trình gắn với trách nhiệm chủ đầu tư thì mới tốt được. Kể cả công tác quản lý cũng vậy, ở các nhà kinh doanh, chính vì các chủ đầu tư coi công tác quản lý là cách giữ thương hiệu, bảo hành sản phẩm cho khách hàng nên quản lý mới tốt, khu nhà mới lâu xuống cấp.

Còn ở các khu nhà TĐC thì người dân, thậm chí cả những cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý về chất lượng công trình không thể biết đâu là chủ đầu tư.

Cũng từ câu hỏi tại sao nhà TĐC cứ phải là rẻ, là chất lượng kém, ông Chủng cũng như nhiều chuyên gia đã nêu quan điểm, người dân TĐC có quyền được chọn những căn hộ cao cấp, bởi họ không được cấp nhà, mà họ mua nhà.

Cách làm nhà TĐC của TP.HCM hiện nay đang được người dân đồng tình: TP để cho DN đầu tư xây dựng các khu nhà với chất lượng bảo đảm, sau đó bán lại cho các dự án phải di dân GPMB.

Người dân được mua các căn hộ có thể tương ứng với giá đền bù. Họ còn có thể được hướng dẫn chọn căn hộ phù hợp theo nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Cũng theo phương thức này mà TP.HCM đang dần xóa được những mặc cảm về nhà TĐC.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng