Nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị đang bị chậm tiến độ bởi những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thu xếp vốn, các quy định về quản lý đầu tư. Bộ Xây dựng cho rằng đây là những khó khăn mà doanh nghiệp (DN) không thể tự mình tháo gỡ do chỉ “độc canh” xây lắp mà không đa dạng ngành nghề, chỉ chú trọng khai thác quỹ đất mà không đầu tư những dự án có tính chiến lược, lâu dài.
Theo báo cáo mới nhất của Vụ Kế hoạch-Thống kê Bộ Xây dựng, dự án khu nhà ở Thảo Điền-TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thể triển khai mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện từ khá lâu. Nguyên nhân chính do vướng mắc khâu GPMB và thu xếp nguồn vốn đầu tư của DN, trong đó có yếu tố trượt giá sắt thép, ngoại tệ. Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt-Hà Nội, An Khánh-Hà Tây cũng đang vấp phải những khó khăn tương tự.
Dự án Khu Ngoại giao đoàn ở Từ Liêm thì gặp những khó khăn trong thủ tục quản lý đầu tư, nên sau 5 năm được chấp thuận vẫn dậm chân tại chỗ. Cụ thể, tháng 4-2006, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án này mới được phê duyệt, khi đó tổng mức đầu tư đã thay đổi không ít. Đến tháng 12-2006, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư, song tiến độ dự án Khu Ngoại giao đoàn vẫn ì ạch bởi 5 tháng sau khi Thủ tướng có văn bản đó, Hội đồng quản trị TCty Xây dựng Hà Nội (chủ đầu tư dự án) mới phê duyệt điều chỉnh. Thậm chí ngay cả những dự án đã triển khai, tiến độ cũng rất chậm. Điển hình như dự án Làng Quốc tế Thăng long, mặc dù nhiều khối nhà đã được đưa vào sử dụng từ lâu, nhưng đến nay dự án chưa kết thúc do khối nhà tháp đôi 28 tầng mới được khởi công hồi đầu năm, hiện vẫn đang làm móng.
Trong khi đó, có nhiều dự án triển khai chậm bởi vị trí đất xây dựng không đắc địa, hấp dẫn, chịu ảnh hưởng của thị trường bất động sản trầm lắng. Những dự án này, chủ đầu tư có thể bảo đảm tiến độ như kế hoạch nhưng do không kinh doanh được, hiệu quả chưa như mong muốn nên các hạng mục đành phải chậm lại.
Đánh giá về hoạt động đầu tư phát triển đô thị, nhà ở trong thời gian qua, Bộ Xây dựng cho rằng còn nhiều DN lúng túng, chưa phát triển mạnh các lĩnh vực để phá thế “độc canh” xây lắp, chỉ chú trọng khai thác quỹ đất hiện có mà chưa có những dự án lớn mang tính chiến lược lâu dài. Mặc dù một số DN đã cố gắng chủ động thu xếp nguồn vốn, tiếp cận thị trường để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với các dự án chuyển tiếp để giải quyết những khó khăn khiến dự án chậm tiến độ, nhưng vấn đề cơ bản là giá trị đầu tư phát triển của DN chưa thật sự lớn. Trong đầu tư, DN luôn bị phụ thuộc vào những nguyên nhân khách quan tại địa phương như thủ tục đền bù, GPMB, thủ tục quản lý, thu xếp vốn... Những khó khăn, vướng mắc này DN không tự tháo gỡ được. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở là một trong những lĩnh vực được tập trung đầu tư nhưng trong 6 tháng đầu năm, tổng mức đầu tư chỉ đạt hơn 3.700 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch. Tương tự, các lĩnh vực khác như xi măng cũng chỉ bằng 23%, nhà máy điện 10%...
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đinh Tiến Dũng, mục tiêu đặt ra từ nay đến hết năm là giải quyết dứt điểm thủ tục để sớm khởi công các dự án khu đô thị mới tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác. Trong đó, DN sẽ tập trung nhanh vào các nhà chung cư, tổ hợp văn phòng để bảo đảm thời cơ kinh doanh. Chính phủ cũng đã ban hành nghị định mới về quản lý định mức đầu tư, trong đó có nhiều thay đổi phù hợp với nền kinh tế thị trường và tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong chiến lược phát triển giai đoạn tới của ngành, đô thị và nhà ở vẫn là lĩnh vực trọng tâm. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, Bộ cũng đã đưa ra định hướng đa doanh, đa sở hữu, đa dạng sản phẩm; các TCty không chỉ là nhà đầu tư mà còn trở thành nhà quản lý hàng đầu.
Theo Y.L - Hà Nội Mới