Chiều 16-4, hơn 50 điều thuộc 9 đạo luật và nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận phương án sửa đổi, gộp vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.
Trình dự án luật đặc biệt này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết dự luật chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của các đạo luật nhằm xử lý những vấn đề vướng mắc và bức xúc nhất trong đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), đặc biệt là những vấn đề liên quan trình tự, thủ tục đầu tư. Dự luật sẽ sớm được thông qua ngay tại kỳ họp thứ 5 tới để giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư XDCB sử dụng vốn Nhà nước năm 2009 và các năm tiếp theo, góp phần thực hiện tốt các giải pháp kích cầu đầu tư, ngăn ngừa suy giảm kinh tế.
Nên sửa ở các luật liên quan trực tiếp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, đầu tư XDCB liên quan đến công tác quản lý của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Những nội dung như quản lý và sử dụng đất đai, giá đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng; quy hoạch, phân cấp quản lý đầu tư, ban quản lý dự án, quy trình, thủ tục đầu tư... đang được nghiên cứu, sửa đổi một cách cơ bản trong thời gian tới. Bức xúc nhất là tiến độ các dự án sử dụng vốn Nhà nước rất chậm, hằng năm số vốn XDCB không giải ngân được phải chuyển sang năm sau rất lớn. Một trong những nguyên nhân chính là thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc, rườm rà.
Do đó để giải quyết, chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung về quy trình, thủ tục, đặc biệt là giai đoạn đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp, chủ yếu thuộc Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu.
“Phải nói rõ cái gì liên quan đến thủ tục thì mới sửa đổi được, những quy định thủ tục rườm rà là do luật hay do người thừa hành gây phiền hà rắc rối cho nhau?” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thắc mắc. Theo ông, chỉ cần sửa Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Luật PCCC, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói phạm vi sửa đổi của dự án luật quá rộng, chỉ nên xử lý những khó khăn cho XDCB nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về quản lý.
Chỉ định thầu: Cần nhưng phải hạn chế
Hiện nay, các công trình dự án sử dụng vốn Nhà nước chỉ được phép chỉ định thầu trong trường hợp “gói thầu dịch vụ tư vấn có giá dưới 500 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá dưới 1 tỉ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển”.
Trước tình hình biến động giá lớn thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng quy định cứng mức chỉ định thầu không còn phù hợp, cần nâng cao hơn và giao Chính phủ quy định từng thời kỳ để linh hoạt trong chỉ định thầu. Tuy nhiên, đa số vẫn nghiêng về quan điểm đấu thầu rộng rãi là hình thức được áp dụng phổ biến ở nhiều nước nhằm công khai, minh bạch, chống thất thoát trong đầu tư.
Quy định hạn mức chỉ định thầu, dù chưa phù hợp nhưng cũng rất cần thiết nhằm hạn chế tình trạng này. “Lâu dài, cần tiến tới đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu. Nhưng trong tình hình suy giảm kinh tế, cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư hiện nay, việc giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu nhằm linh hoạt hơn là cần thiết. Song cần chặt chẽ tiêu chí những công trình được chỉ định thầu, tránh lạm dụng”- ông Hà Văn Hiền, nói.
Bồi thường theo giá lúc phê duyệt?
Luật quy định khi thu hồi loại đất nào thì phải bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi. Trong thực tế, thời điểm ban hành quyết định thu hồi và thời điểm bồi thường, giải phóng mặt bằng là khác nhau và giá trị đất tại hai thời điểm này chênh lệch tương đối lớn. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều khiếu kiện và dẫn tới tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng bị kéo dài, ảnh hưởng tiến độ đầu tư. Từ thực tế này, Chính phủ đề xuất việc bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất “tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng”.
Không đồng tình việc sửa đổi vào dự án luật này, quan điểm của Ủy ban Kinh tế cho rằng sửa đổi Luật Đất đai sẽ liên quan đến những vấn đề phức tạp về quan điểm, chủ trương, quản lý và sử dụng đất đai, giá đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Nếu chỉ sửa vài điều thì chưa giải quyết được vướng mắc hiện tại mà còn có thể làm phức tạp thêm tình hình. Mặt khác, Quốc hội cũng đã có kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới.
Nâng trách nhiệm để dễ xử lý
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, luật quy định phân cấp trong đấu thầu mạnh hơn cho chủ đầu tư nhưng về trách nhiệm thì mới dừng ở mức rất chung chung là “chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”. Như vậy, trách nhiệm chưa tương xứng với quyền hạn được giao, rất khó xử lý nếu xảy ra vi phạm.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động