Top

Nhà đất Hà Nội tăng theo chứng khoán

Cập nhật 16/04/2009 14:45

Thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội thời gian qua đang có chiều hướng chuyển động theo hướng đi lên, khi nhiều nhà đầu tư chốt lãi thu lời lớn từ kênh đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, mức tăng không đồng đều và vẫn tập trung chủ yếu ở mạn phía Tây Thành phố.

Với đà tăng trưởng liên tục và khá mạnh của thị trường chứng khoán khoảng hơn một tháng nay, trong khi giá vàng có phần giảm, lãi suất tiết kiệm thấp, kinh doanh khó khăn thì một số nhà đầu tư đã chọn đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào BĐS, vô hình chung đã đẩy giá nhà, đất ở một số vùng ở Hà Nội tăng khá mạnh.

Nhà chung cư và đất các dự án phía Tây tăng nhanh ...

Tăng nhiều nhất phải kể tới giá nhà chung cư tại các khu đô thị mới (ĐTM) và các dự án đô thị thuộc quận Cầu Giấy, một phần huyện Từ Liêm, Tây Hồ hoặc khu vực phía Tây Hà Nội và Hà Đông. Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, giá nhà chung cư cao cấp của Vinaconex xây dựng thuộc phường Trung Hòa - Nhân Chính đã tăng khoảng 10 - 18% so với thời điểm trầm lắng trước Tết Kỷ Sửu, gần bằng với thời điểm "cơn sốt BĐS" hồi cuối năm 2007.

Đơn cử như giá 1m2 nhà chung cư 34T Trung Hòa - Nhân Chính đã lên tới hơn 31 triệu đồng/m2. Căn hộ chung cư ở các khu 17T, 18T, 24T... cũng đang được rao bán với giá 25 - 27 triệu đồng/m2. Đặc biệt là ở dự án Đô thị cao cấp "Đông Nam Trần Duy Hưng" của Vinaconex bên đường Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy) tuy mới XD xong phần móng, nhưng giá hơn 1 tháng gần đây đã tăng giá "chóng mặt".

Theo một Văn phòng giao dịch bất động sản trên đường Trần Duy Hưng cho biết, nếu như cách đây 2 tháng ở nhà No5 dự án "Đông Nam Trần Duy Hưng" người ta sẵn sàng nhượng lại giá gốc (24 triệu đồng/m2) cộng thêm chênh lệch chỉ khoảng 25 - 40 triệu đồng trên 1 căn hộ (tùy theo diện tích) thì nay cũng ở dự án này căn hộ nhỏ nhất cũng phải cộng thêm chênh lệch từ 100 - 120 triệu đồng, đấy là chưa kể phải đóng ngay 40% giá trị hợp đồng (khoảng từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng, tùy theo diện tích) mới được vào tên.



Khu biệt thự Ciputra.


Tương tự như vậy, ở khu vực Hà Đông giá BĐS cũng tăng khoảng 10 - 15%. Nếu như cách đây hơn 1 tháng giá căn hộ chung cư ở các nhà CT7A, CT7B, 21A, 21B... ở khu Văn Quán (khu ĐT được coi là đã hoàn chỉnh ở Hà Đông) chỉ dao động từ 15 - 16 triệu đồng/m2 thì nay giá được giao dịch thấp nhất cũng là 17,5 triệu đồng/m2. Vị trí đẹp còn được bán tới hơn 18 triệu đồng/m2. Giá đất liền kề ở khu này hiện cũng đang được giao dịch từ 35 - 37 triệu đồng/m2 (tùy theo vị trí, tăng hơn 10% so với 2 tháng trước). Đất ở dự án Văn Phú (Hà Đông) trước tháng 8/2008 có giá khoảng 14 triệu đồng/m2, trước Tết Kỷ Sửu giảm xuống còn 10 - 11 triệu/m2, nhưng nay lại tăng vọt lên tới hơn 17 triệu đồng/m2 trong tình trạng cầu nhiều hơn cung.

Ngay cả ở khu nhà CT1 Văn Khê (giá gốc chỉ hơn 6,5 triệu đồng/m2), mặc dù chưa XD xong và mới đây đang có tranh chấp căng thẳng giữa chủ đầu tư và khách hàng, nhưng hiện vẫn có người sẵn sàng chấp nhận mua lại căn hộ ở tòa nhà này với giá trên 12 triệu đồng/m2. Ngoài ra, án ĐTM Tân Tây Đô tít ở tận Đan Phượng - Hoài Đức, gần quốc lộ 32 trước Tết chỉ có giá trên dưới 8 triệu/m2 đất liền kề, thì nay đang được rao bán trên 10,5 triệu đồng/m2, tăng khoảng hơn 20%...



Mô hình khu đô thị mới Tân Tây Đô.


Theo đánh giá của một chuyên gia môi giới BĐS lâu năm, khách đến tìm mua nhà, đất hiện nay chủ yếu là người Hà Nội mua để đầu cơ, hoặc những người ở một số tỉnh xa tranh thủ thời cơ mua đất cho con, em để sau này chuyển về định cư ở Thủ đô...Sở dĩ giá nhà đất ở những khu vực này tăng nhanh vì thời gian gần đây khá nhiều người trúng bạc tỷ từ sàn chứng khoán đã rút tiền ra đầu tư mua nhà đất ở những nơi có quy hoạch và nhiều tiềm năng phát triển. Mặt khác, giá BĐS cũng đã "đóng băng" trong một thời gian khá dài nên nếu xét theo đồ thị hình Sin thì việc BĐS tăng giá trở lại cũng là hợp với quy luật của thị trường. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng ở một số nơi (đặc biệt là trên địa bàn Hà Nội mở rộng) giới đầu cơ, kinh doanh BĐS đã tranh thủ thời cơ này để "thổi giá nhà đất" lên nhanh với mục đích trục lợi.

Nhưng nhiều khu vực ở nội thành và đất trang trại vẫn đứng giá

Ở một khía cạnh khác, giá BĐS ở một số quận, huyện thuộc Hà Nội cũ vẫn đứng giá, hoặc tăng không đáng kể. Tậm tịt nhất phải nói tới những nơi dân trí thấp, hạ tầng kém phát triển ở các phường thuộc quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, hay huyện Thanh Trì, Sóc Sơn... Đơn cử như giá đất thổ cư ở Vĩnh Tuy (Thanh Trì) chỉ khoảng 15 -17 triệu đồng/m2, có nơi còn dưới 14 triệu/m2. Một chủ đất tên Hằng có ngôi nhà cấp 4 hơn 30m2, địa thế đẹp ở xã Đại Áng (cách trung tâm HN khoảng 15 km) rao bán chỉ có 250 triệu đồng (tính ra chỉ hơn 8 triệu/m2) mà không ai mua.

Tương tự như vậy, không ít vị trí đất thuộc quận Hoàng Mai chỉ có giá chưa tới 10 triệu đồng/m2. Nếu như cuối năm 1999 đầu 2000 dân Hà Nội đổ lên Sóc Sơn mua đất ầm ầm, thì từ nhiều năm nay mọi giao dịch về BĐS của Sóc Sơn đã trở nên trầm lắng kéo dài. Ở Sóc Sơn giá đất thổ cư có nơi chỉ 3 - 4 triệu đồng cũng chẳng ai mua, bởi như lời một nhà đầu tư vừa thắng chứng khóan nhận định "- Có thừa tiền cũng không tham rẻ rúc vào những nơi xa xôi đó làm gì, thà mua đắt mà sắt ra miếng còn có hiệu quả hơn..." Kể cả ở các quận nội thành như Đống Đa, Hai Bà, Thanh Xuân... có những vị trí chẳng nhà đầu tư nào muốn hỏi mua nhà đất, bởi hạ tầng xã hội kém phát triển, ở ngõ ngách xôi đỗ với người địa phương, dân trí thấp, lao động tạm cư nhiều, an ninh phức tạp...



Một trang trại đẹp ở Yên Bài (Ba Vì) rộng hơn
3000m2 chỉ có giá trên, dưới 1 tỷ đồng.


Có một thời nhiều người Hà Nội đua nhau lên mua trang trại ở vùng Lương Sơn (Hòa Bình), hoặc ở một số huyện thuộc Hà Tây (cũ), nhưng xem ra phong trào này đã trầm lắng gần 3 năm nay. Kể cả chứng khoán có lên hay xuống, nhưng xem ra hiện chẳng mấy ai quan tâm tới trang trại. Không ít người Hà Nội đã chót mua trang trại để đầu cơ nay mới thấy sai lầm. Giá đất chẳng tăng là bao, mà lại mất công thuê người trông coi. Chính vì vậy, vợ chồng anh Lê Huy (quận Tây Hồ) đang phải "dở khóc, dở cười" với trang trại gần 7.000 m2 đất trên Lương Sơn (Hòa Bình). Năm 2003 anh mua 100 ngàn đồng/m2, bỏ thêm gần 100 triệu để xây tường bao, nay rao bán mãi với giá 90 ngàn đồng/m2, kèm cả tường bao cũng chẳng thấy ai hỏi mua, trong khi tường rào không có người trông nom đã bị dân địa phương phá và lấy đi khá nhiều gạch.

Một nhân viên của Cty Hải Linh (chuyên quy hoạch và kinh doanh trang trại) cũng phải thừa nhận, thời gian qua có những trang trại đẹp đã được quây tường bao của Cty trên mạn Ba Vì cũng gặp khó khăn về đầu ra, bởi giá đất trong dân địa phương rao bán cũng rất rẻ: Đơn cử như ở xã Vân Hòa, Yên Bài (gần khu du lịch ở Ba Vì) giá đất hơn 1 năm nay vẫn chỉ dao động ở mức 40 - 50 triệu/sào (1 sào bằng 360 m2). Như vậy, một khu đất hơn 3.000 m2 cũng chỉ chưa tới 500 triệu đồng...

Thay cho lời kết

Theo nhận định của một số Văn phòng giao dịch nhà đất, thời gian qua đúng là đang có sự "ấm dần lên" khá rõ rệt của thị trường BĐS, nhưng chủ yếu chỉ "nóng" ở những khu vực quy hoạch đắc địa, có nhiều tiềm năng sinh lời. Nếu như chỉ có nguyên nhân những người trúng chứng khoán đổ tiền vào BĐS thì sự tăng trưởng đó chắc sẽ không bền vững, bởi sức cầu sẽ không ổn định. Tuy nhiên, theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Cty CBRE Việt Nam (Cty chuyên kinh doanh, tư vấn BĐS của Mỹ), thì tiềm năng của thị trường BĐS Việt Nam còn rất lớn, được thể hiện ở 2 điểm nổi bật là thị trường vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, với tốc độ phát triển khá nhanh. Do đó, hầu hết các phân mảng thị trường như mặt bằng bán lẻ, nhà ở, hay khu văn phòng, khách sạn... trong tương lai vẫn còn nhu cầu lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tốt so với khu vực cũng đang là cơ sở để giá các dịch vụ và sản phẩm BĐS còn có cơ hội đi lên...

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới