Trong khi có đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, người dân phải chi thêm 8 triệu đồng mới làm được sổ đỏ ở Hà Nội thì Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Nguyễn Minh Quang lại khẳng định tình hình không như vậy.
"Có tình trạng nhũng nhiễu, khiến tiến độ cấp sổ đỏ chậm, nhưng vấn nạn "bôi mới trơn" đang trên đà giảm" - Người đứng đầu ngành TN&MT khẳng định trong phiên chất vấn giữa hai kỳ họp Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 29-9.
Nhiều người dân vẫn phàn nàn về tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình cấp sổ đỏ, đặc biệt tại các chung cư. Ảnh: Trọng Đạt
|
"Bôi trơn" 8 triệu đồng để được nhận sổ đỏ
Theo nhận xét của ĐB Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội), bản báo cáo của Bộ trưởng Bộ TN&MT gửi đến các ĐBQH có nhiều kết quả khả quan về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khai thác khoáng sản thời gian qua. Song cử tri vẫn còn nhiều băn khoăn. Lớn nhất là tiến độ cấp sổ đỏ lại các khu chung cư còn quá nhiều rào cản. Đại diện các sở, ngành của TP Hà Nội từng khẳng định, tình trạng này đã được giải quyết căn bản nhưng trên một số diễn đàn, người đứng đầu ngành TN&MT lại cho rằng, vẫn có nhũng nhiễu. Vậy kết quả thế nào? Cung cấp thông tin cụ thể, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cho biết, ông đã nhận được nhiều đơn, thư phản ánh hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, "bôi trơn" trong việc cấp sổ đỏ, nhất là tại các khu chung cư. Đáng lưu ý, theo nhiều người dân tại Khu đô thị Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm), phí "bôi trơn" để làm sổ đỏ là 8 triệu đồng/hộ, thu tiền kiểu trao tay, không giấy tờ. Quy trình làm sổ rất mập mờ, gia đình nào chấp nhận chi tiền "bôi trơn" thì được nhận sổ đỏ sớm, gia đình nào không chịu nộp tiền thì tiếp tục… chờ. Như vậy, rõ ràng là có đường dây "chạy" sổ đỏ từ cơ sở lên Sở TN&MT. Thực tế này đang làm xói mòn lòng tin của người dân với các cơ quan công quyền nhưng chưa thấy cơ quan nào quan tâm thẩm định, xử lý. "Với tiến độ cấp sổ đỏ hiện nay, Hà Nội khó hoàn thành việc cấp sổ đỏ vào năm 2015 như mục tiêu đã đề ra". - ĐB Nguyễn Sỹ Cương quả quyết.
Thừa nhận những thông tin ĐB Nguyễn Sỹ Cương cung cấp ít nhiều có cơ sở song người đứng đầu ngành TN&MT khẳng định, với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý lĩnh vực đất đai, thời gian qua, hoạt động của Bộ TN&MT khá phong phú. Ngoài chức năng chỉ đạo, tư vấn, giải quyết các khúc mắc phát sinh, Bộ TN&MT đã cử nhiều đoàn công tác về các tỉnh, thành phố có nhiều đô thị lớn giám sát cụ thể, trong đó có Hà Nội. Đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang quả quyết, tình hình sách nhiễu khi làm sổ đỏ đã giảm. Với những tiêu cực phát hiện được, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm thuộc về địa phương hoặc chủ đầu tư. Qua theo dõi, có trường hợp sau khi nhà đã bàn giao, chủ đầu tư nhận tiền nhưng không làm tròn trách nhiệm nên việc làm sổ đỏ giậm chân tại chỗ (nhà chung cư - PV). Lại có nơi chưa có bản đồ địa chính, khó khăn về kinh phí và nhân lực nên phải tận dụng các bản đồ, tài liệu đo đạc hiện có, độ chính xác không cao và sẽ phải đo đạc lại và cấp đổi lại sổ. Tới đây, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương để tìm thêm giải pháp phù hợp với diễn biến thực tế. Song dù giải pháp nào cũng sẽ đi kèm với chủ trương giao chỉ tiêu cấp sổ đỏ gắn với việc bố trí kinh phí cho từng huyện, xã để thực hiện; đồng thời, chú trọng kiểm tra, xử phạt hành chính các trường hợp biến động đất đai nhưng không làm thủ tục theo quy định…
Chưa hoàn toàn đồng tình với những phương án nêu trên, nhiều ĐBQH cho rằng, điểm mấu chốt bảo đảm đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ là phải tăng cường đôn đốc thanh tra, kiểm tra; tập trung tổng lực để triển khai việc này.
Bộ còn "nợ" hai nghị định
Một vấn đề nữa khiến các ĐBQH băn khoăn là các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai đã được Bộ TN&MT ban hành khá kịp thời nhưng hướng dẫn tiến độ thời gian cấp sổ đỏ vẫn còn nhiều vấn đề. ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho hay, người dân bức xúc gửi văn bản lên Sở TN&MT đề nghị làm rõ thì không được trả lời. Từ thực tế địa phương, ĐB Nguyễn Minh Chiến (Đoàn Bạc Liêu) phát biểu: Luật Đất đai nêu Chính phủ định kỳ ban hành khung giá đất (5 năm 1 lần), địa phương căn cứ vào đó để xây dựng bảng giá của địa phương mình, nhưng đến giờ vẫn chưa có khiến địa phương loay hoay. Ngoài ra, hiện chưa có quy định về việc người được giao/cho thuê đất thực hiện ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án. Tương tự, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phản ánh, các nhà đầu tư cũng bày tỏ bức xúc về việc ký quỹ. Nhiều ý kiến đề nghị phân biệt trường hợp được giao đất: Chưa đền bù giải tỏa, phải ký quỹ; nhưng trường hợp nhà đầu tư đã đền bù rồi mà vẫn bị bắt ký quỹ là vô lý. Bộ TN&MT phải nhận trách nhiệm về chậm hướng dẫn và sớm có giải pháp khắc phục.
Với chất vấn của ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phân trần: Trong bộ thủ tục hành chính về đất đai mà Bộ đã công bố cuối tháng 8 thì thủ tục đã được rút gọn rất nhiều, nhưng người thực hiện trực tiếp có thực hiện đúng hay không lại là vấn đề khác... Về việc ký quỹ triển khai dự án có liên quan pháp luật về đầu tư, do đó phải đợi Luật Đầu tư sửa đổi được thông qua để thống nhất quy định về ký quỹ. "Tôi ghi nhận, tiếp thu và hứa sẽ bàn với các cơ quan có liên quan để hướng dẫn rõ hơn. Tôi cũng thừa nhận Bộ còn nợ hai nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và khung giá nhưng phải có nghị định về giá mới quy định được khung giá”. - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải trình.
Có điều đáng lưu ý, thời hạn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định sẽ trình Chính phủ hai nghị định đã sắp hết vì chỉ một ngày nữa là sang tháng 10. Ngoài quản lý đất đai, nhiều vị đại biểu khác cũng kiên trì "truy" Bộ trưởng về tiến độ xử lý những vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, hầu hết câu trả lời chưa cụ thể. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Bộ TN&MT phải quyết liệt hơn nữa trong các lĩnh vực phụ trách mới đáp ứng được yêu cầu của cử tri.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới