Top

Cần Thơ: Nhà đầu tư “đói” đất sạch

Cập nhật 01/04/2010 14:40

Là thành phố động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ được xem là địa phương có tiềm năng bật nhất của khu vực về thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhưng trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư phải “dở khóc, dở mếu” vì mỏi mòn chờ đất sạch (đất trống đã giải tỏa).


Mô hình sa bàn khu đô thị Lan Trúc Thành - Long Hòa thuộc huyện Bình Thủy, TP Cần Thơ, một dự án cần nhiều đất sạch.

Nỗi lo thiếu đất sạch

Tính đến đầu tháng 3/2010, TP.Cần Thơ thu hút 48 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 752,65 triệu USD, trong đó vốn thực đến nay đạt trên 161 triệu USD, chiếm 21,42% so với tổng vốn đăng ký. Trong 48 dự án này, có 19 doanh nghiệp liên doanh, 1 doanh nghiệp cổ phần, 28 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Hiện có 24 dự án đang hoạt động có doanh thu.

Trong năm 2009 và 2 tháng đầu năm nay, TP.Cần Thơ cấp mới đăng ký kinh doanh cho khoảng 1.500 doanh nghiệp các loại hình, với tổng số vốn đăng ký trên 4.120 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều dự án trong tổng số 25 dự án đa ngành ký kết biên bản ghi nhớ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2008 đã có tiến triển.

Điển hình như đã thực hiện việc ký kết các nội dung hợp tác toàn diện với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải. Đồng thời, Sở Kế hoạch - Đầu tư đang chỉ đạo tiến hành thủ tục đầu tư đối với các dự án và chủ đầu tư như sau: Dự án xây dựng nhà máy thép của Tổng công ty Thép Việt Nam; dự án xây dựng chợ chuyên doanh lúa gạo cấp khu vực của Tổng công ty Lương thực miền Nam; dự án Trường đại học quốc tế của công ty CP Thương mại – Dịch vụ địa ốc Hồng Quân; dự án Trung tâm hội nghị Quốc tế - Khu cao ốc văn phòng của Tập đoàn Dầu khí; dự án xây dựng khách sạn 5 sao của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn; dự án xây dựng khu Logistic của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Mặc dù số lượng dự án và vốn đầu tư đổ vào đây vào loại “đỉnh” ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên vấn đề bức xúc nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiện nay khi đầu tư vào Cần Thơ là thiếu “đất sạch” cho các nhà đầu tư . Mỗi năm, thành phố có trên 200 dự án, công trình đã và triển khai mới có liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Ông Lê Kế Hoa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.Cần Thơ cho biết, nhiều nhà đầu tư không ngớt kêu gọi đòi đất sạch nhưng thành phố bó tay, không thể giải quyết được.

Ông Dương Tấn Hiển, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ giải thích: Điểm mấu chốt là giá đất do TP. Cần Thơ ban hành hàng năm chưa sát với giá thị trường. Ngoài ra, do không có quy định cho phép hỗ trợ đất thổ cư nên việc xin chủ trương điều chỉnh phù hợp với thực tế thường rất chậm.

Hơn nữa, lực lượng cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn thiếu và yếu, với 178 người (bao gồm 74 cán bộ viên chức thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất cộng với 104 cán bộ viên chức của Ban Bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng của 9 quận, huyện), lại thiếu đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn, khiến công việc thường xuyên quá tải, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng.

Tháo gỡ cách nào?

Được biết, trong năm 2010, TP Cần Thơ sẽ tập trung vào việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại khoảng 100 công trình, dự án trên địa bàn. Để đón đầu làn sóng đầu tư “bùng nổ” sau khi cầu Cần Thơ khánh thành và đưa vào sử dụng, ông Trần Thành Mẫn – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ tiếp tục dồn sức cho công tác hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, trước mắt là đất sạch trong khu công nghiệp.

Sắp tới, UBND thành phố sẽ ban hành cơ chế, chính sách kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các khu tái định cư; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, UBND tỉnh rốt ráo chỉ đạo các địa phương tạm ứng và bố trí vốn đối với những công trình lớn, công trình trọng điểm.

TP Cần Thơ cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ một phần vốn cho địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, mặc dù Cần Thơ không nằm trong địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nhưng do Cần Thơ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Mẫn cho biết thêm: Chúng tôi sẽ nghiên cứu xây dựng ngay Chiến lược xúc tiến đầu tư nhằm xác định một tầm nhìn dài hạn về nội dung, hình thức, biện pháp, tổ chức và bố trí nguồn nhân lực nhằm tạo cơ sở cho việc thống nhất công tác xúc tiến đầu tư, có sự liên kết trong phạm vi thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ đạo các sở, ngành xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư năm 2010 định hướng đến năm 2020, phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển, quy hoạch ngành và đáp ứng đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài, qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư vào Cần Thơ.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Công Thương