Dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 7 năm 2014. Đây là một Dự án luật rất quan trọng bởi thị trường BĐS phát triển thông suốt, lành mạnh sẽ tạo động lực cho các thị trường khác phát triển, thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Nhìn từ khiếm khuyết
Tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự án luật này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Luật Kinh doanh BĐS 2006 cùng với các luật khác như Luật Xây dựng 2003, Luật Nhà ở 2005, Luật Doanh nghiệp… đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của thị trường BĐS và môi trường kinh doanh BĐS, huy động được các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Một góc Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Hải Linh
|
Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện Luật Kinh doanh BĐS, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua cho thấy một số tồn tại, khiếm khuyết. Đó là chưa đủ các quy định và chế tài về quản lý việc tạo lập BĐS cũng như sự quản lý của các cơ quan Nhà nước để cho việc phát triển BĐS theo quy hoạch và có kế hoạch là rất hạn chế, dẫn đến tình trạng phát triển tràn lan, tự phát, không phù hợp với nguồn lực thực hiện và khả năng của nền kinh tế, gây ra nợ xấu BĐS, nhiều dự án treo, tồn kho.Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá, Luật Kinh doanh BĐS là một luật chuyên ngành rất quan trọng, bao hàm một thị trường lớn có tác động và tương tác đến các thị trường khác trong nền kinh tế như đất đai, lao động, thị trường vốn và các hàng hóa khác như vật liệu xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phân tích, quan điểm xây dựng Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi lần này nhằm phát triển BĐS theo nguyên tắc thị trường đồng thời tăng cường vai trò quản lý Nhà nước để đảm bảo phát triển BĐS theo quy hoạch và có kế hoạch; Tạo môi trường pháp lý thông thoáng để huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tham gia tạo lập và kinh doanh BĐS; hội nhập quốc tế, nâng cao tính chuyên nghiệp của các nhà tư vấn, môi giới và kinh doanh BĐS. Đặc biệt là sẽ mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
“Hâm nóng” thị trường bằng hành lang pháp lý
Về tình hình thị trường BĐS hiện nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2013, thị trường có những thăng trầm. Năm 2013, giá BĐS đã có sự giảm sâu từ 10 - 30%, cá biệt có những dự án ở vùng ven giảm giá đến 50%, có lợi cho người mua nhà. Cuối năm 2013 và đầu năm 2014 thị trường BĐS có dấu hiệu "ấm" lên cả về giá bán và số lượng giao dịch. Lượng giao dịch của quý IV/2013 gần gấp 3 lần so với quý I/2013, trong đó giao dịch tăng mạnh ở phân khúc căn hộ thương mại giá trung bình, có diện tích dưới 100m2 và nhà ở xã hội. Thông qua các số liệu về dư nợ tín dụng BĐS và thuế trước bạ nhà đất tăng hàng quý cũng cho thấy những tín hiệu tốt từ thị trường BĐS cũng như sự phát huy hiệu quả của một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS theo Nghị quyết số 02. Tuy nhiên, để "hâm nóng" và thúc đẩy thị trường BĐS hoạt động lành mạnh cần phải có một hành lang pháp lý mới thông thoáng hơn.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý Bộ Xây dựng về một số vấn đề cần nghiên cứu thêm như chế tài đối với việc cho phép mua bán BĐS hình thành trong tương lai, việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài kinh doanh BĐS ở Việt Nam, việc quản lý cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, tư vấn BĐS… Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đây là một bộ luật được chuẩn bị sớm, công phu, kỹ lưỡng và được sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, Ban soạn thảo cần lưu ý phải luật hóa tối đa các quy định mà các văn bản dưới luật đã đi vào cuộc sống và có tính ổn định cao. Luật Kinh doanh BĐS cần gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và có tính dài hạn, minh bạch, rõ ràng và tránh trừu tượng cũng như phải đảm bảo sự phù hợp và thống nhất với các luật hiện hành.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế đô thị