Chúng ta đừng nên tranh luận về sự cần thiết của nhà cao tầng; chúng ta đã xác định nhà cao tầng là điều tất yếu rồi. Nhưng các khu đô thị cần phải rõ mục tiêu là phục vụ đời sống của con người – và đây là con người Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi thông tin đa chiều về các nhà cao tầng nhan nhản kiểu Hàn Quốc, lá thư của kỹ sư Đặng Biên Thùy (trích ở cuối bài) đã đưa ra một ví dụ tốt qua kinh nghiệm sống 2 tháng ở Malaysia. Tôi nghĩ đó là một ý kiến cụ thể và nên được thực hiện được ở Việt Nam. Người Malaysia đã thiết kế được những nhà cao tầng thoáng mát có chỗ sinh hoạt cộng đồng như thế thì tại sao chúng ta không bắt chước?
Những ai đã từng sống ở Hàn Quốc, Malaysia hoặc Singapore có thể hiểu được sự khác biệt về nhà cao tầng và cách thiết kế các khu đô thị của các quốc gia trên. Chúng ta đừng nên tranh luận về sự cần thiết của nhà cao tầng; chúng ta đã xác định nhà cao tầng là điều tất yếu rồi.
Vấn đề ở đây là tư duy quy hoạch, thiết kế và cách tạo ra môi trường sống hiện đại, an toàn, phát huy những cái hay cái đẹp của văn hóa Việt Nam.
Văn hóa sống của người Việt dựa trên nền tảng gia đình và láng giềng. Mỗi làng xã đều có cái đình hoặc một nơi cho cả cộng đồng già trẻ lớn bé nam nữ hội tụ và sinh hoạt. Quan hệ xã hội và tình người được phát huy. Đời sống của người Việt không vô cảm, ít có việc đi làm về khóa cửa ở lỳ trong nhà, đi cầu thang máy không chào hỏi ai cả.
Các nhà đầu tư và thiết kế đô thị cần phải đáp ứng nhu cầu và lối sống “biết nhau” của chúng ta. Chúng ta ở nhà biệt lập nhưng không thích sống biệt lập. Bạn cứ vào khu đô thị Ciputra buổi tối thì thấy, chủ nhân các biệt thự ra ngồi đầy lề đường “buôn dưa lê” với nhau, vì trong đó vẫn chưa có một cái “đình làng” tân tiến của thế kỉ 21!
Sự quen biết hỗ trợ nhau giữa hàng xóm láng giềng là một chỗ dựa tinh thần và tạo nên mạng lưới an toàn cho cả khu vực. Chúng ta gởi con cho nhau, nhờ nhau trông nhà, vay nhau bát nước nắm. Người lạ đến khu vực là ta biết ngay.
Cuộc sống trong các tòa nhà cao tầng, nếu không tạo một môi trường sinh hoạt chung như bạn Biên Thùy chia xẻ ở Malaysia, sẽ dễ dẫn đến một cuộc sống đơn điệu vô cảm.
Ngay hôm nay giữa chúng ta, có lẽ rất nhiều người sống tại các khu “đô thị hiện đại” ở Hà Nội và TP HCM cũng không quen biết gì gia đình sống ngay trong căn hộ cạnh mình! Lý do là các khu “đô thị hiện đại” này không có một chỗ tiện lợi dễ dàng cho sinh hoạt chung cho cộng đồng. Phú Mỹ Hưng ở Nam Sài Gòn cũng đã nhận thức được việc này nên đưa ra khẩu hiệu “Một cộng đồng nhân văn”. Nhưng họ chưa thành công trong việc phát huy một cộng đồng theo đúng nghĩa của nó vì Phú Mỹ Hưng quá bao la bát ngát.
Cộng đồng trong văn hóa sống của chúng ta chỉ là làng xã chứ không thể là cả một thành phố mở.
Cuối cùng, vấn đề cũng là con người. Các khu đô thị cần phải xác định rõ mục tiêu là phục vụ đời sống của con người – và ở đây là con người Việt Nam.
Chờ xây thêm nhiều cho giá bất động sản giảm
Tôi chỉ là một kĩ sư mới ra trường, vốn sống còn hạn chế nên ý kiến của tôi cũng chỉ là cảm nhận bề ngoài khi lần đầu tiên được ra nước ngoài. Các bạn đang bàn về nhà cao tầng không hợp với không gian sống của người Việt. Không gian sống của người Việt như thế nào? Là các căn hộ tập thể chật hẹp, đêm nằm vôi vữa rơi lả tả, mùa nóng thì mất nước, mất điện. Khi đi đâu về bạn có muốn rắt xe lên tận tầng 5 không? Con bạn lớn lên sẽ chơi ở đâu trong căn hộ như vậy?
Không gian sống xủa người Việt là ngôi nhà với vườn cây, ao nhỏ... Bạn thử nghĩ xem bạn đào đâu ra đất giữa Hà Nội này để đào ao thả cá?
Không gian sống của người Việt là không gian thuận tiện cho sinh hoạt, trước nhất phải đáp ứng được nhu cầu đó đã. Không tiện thì đẹp có ý nghĩa gì đâu? Tôi thấy nhà cao tầng không những đẹp mà còn rất tiện. Tôi từng sang Malaixia 2 tháng, ở trong một căn hộ chung cư. Khu nhà được thiết rất đẹp và hiện đại với các khu mua sắm, nhà hàng ở 3 tầng trệt, bể bơi, khu vui chơi cho trẻ em ở tầng 4.
Các căn hộ luôn có một mặt giao tiếp với không gian . Các ban công, các không gian lớn được đổ đất trồng hoa cây, nhiều khi tôi đi làm về có muốn vào nhà đâu , lại ra ngồi hóng mát một tí hay nhảy xuống hồ bơi cho thoải mãi rồi mới về nhà. Ngay giữa lòng Hà Nội, bạn cũng nhận thấy vể hiện đại của các khu đô thị Trung Hoà Nhân Chính, Mễ Trì, hay khu Mễ Đình.
Bạn không cảm nhận được không khí thoáng đãng, hiện đại mang dáng dấp của một thành phố lớn sao? Còn tôi chỉ mong cho họ xây thật nhiều, thật cao để cho giá bất động sản có thể rẻ hơn đôi chút, để cho hàng trăm nghìn người như tôi có thể mua được một nơi tử tế mà sống, thay vì trong một nơi chật hẹp mà tôi đang gõ bàn phím đây. Đặng Biên Thùy (Cổ Nhuế - Hà Nội)
>> Cao ốc chen nhau - có hợp với văn hóa người Việt?
Theo VietNamNet