Các báo cáo tổng hợp của ngành giao thông vận tải cho thấy, qua 3 tháng đầu năm, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 1.249,4 tỉ đồng, đạt 20,5% kế hoạch năm, giải ngân 1.216,4 tỉ đồng (20% kế hoạch năm).
Ngoài ra, vốn nước ngoài thực hiện tại các dự án hạ tầng mới đạt 600 tỉ đồng (21,3% kế hoạch), vốn ngoài ngân sách, các dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) thực hiện đạt 804 tỉ đồng, giải ngân đạt 546 tỉ đồng.
Những số liệu này cũng đã được báo cáo tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Chính phủ và các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành vào tuần qua.
Theo đánh giá từ ngành giao thông vận tải, kết quả này chưa đạt như mong muốn. Các chuyên gia Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà tài trợ để cung cấp vốn cho các dự án mất nhiều thời gian. Trong khi đó, một hình thức gọi vốn đầu tư hiệu quả cho hạ tầng là hợp tác công-tư (PPP) vẫn chưa đi vào thực tế vì các quy định về đầu tư PPP chưa hình thành.
Một trong những khó khăn lớn trong thời gian gần đây là các ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT đấu thầu không thành công tại một số dự án lớn như cảng Thị Vải-Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu), cầu Nhật Tân (Hà Nội), Quốc lộ 3 đoạn Hà Nội-Thái Nguyên… vì số lượng nhà thầu tham dự ít hơn quy định hoặc các nhà thầu bỏ giá cao hơn dự toán.
Trong những trường hợp trên, các ban quản lý dự án phải tiến hành đấu thầu lại, kéo theo dự án bị chậm và ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn. Ngoài ra, nhiều dự án khâu giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại nên chủ đầu tư thua lỗ, ngại không đưa các gói thầu ra mời thầu.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG