Một số khu dân cư xây không phép nhưng phù hợp quy hoạch có thể được cho hợp thức hóa.
Sau thời gian chờ đợi rất lâu, cuối cùng số phận của hơn 11.000 căn nhà sai phép, không phép xây sau ngày 1-7-2004 ở TP.HCM sắp được quyết định. Ngày 1-5 sắp đến, Nghị định 23 về phạt hành chính trong xây dựng, kinh doanh bất động sản có hiệu lực. Hiện Bộ Xây dựng đang gấp rút hoàn thiện thông tư hướng dẫn nghị định này. “Dự thảo thông tư cũng hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với những công trình xây dựng sai phép, không phép tồn tại trước ngày Nghị định 23 có hiệu lực (tức ngày 1-5 - PV)” - ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, cho biết.
Phân thành ba loại để xử lý
Theo dự thảo thông tư, UBND quận, huyện phải thành lập hội đồng để xem xét, quyết định về những trường hợp xây sai phép, không phép trước ngày 1-5-2009. Hội đồng gồm lãnh đạo UBND quận, huyện; phòng quản lý đô thị, phòng tài nguyên và môi trường, bộ phận cấp phép xây dựng; đại diện Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Hội Xây dựng, Hội Kiến trúc sư của tỉnh, thành; lãnh đạo cấp phường nơi có công trình vi phạm. Hội đồng xem xét và đưa ra quyết định với từng công trình xây dựng vi phạm.
Việc xử lý theo các hướng sau:
Đối với những công trình xây dựng độc lập: Nếu công trình thuộc quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định nhưng xây sai phép về chiều cao mà không ảnh hưởng đến công trình lân cận, không bị khiếu kiện thì cho phép chủ đầu tư được tạm giữ nguyên công trình xây dựng đó. Khi có quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 và thực hiện quy hoạch này thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai phép.
Đối với những điểm dân cư có 5-10 hộ dân trở lên xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc đất khác: Nếu xét thấy điểm dân cư đó phù hợp với quy hoạch xây dựng chung, UBND quận, huyện tổ chức lập quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500, sau đó cho phép các hộ dân này thực hiện các quyền và nghĩa vụ về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng, nếu hộ dân nào có công trình nằm trên hệ thống giao thông, thủy lợi và các công trình hạ tầng khác thì kiên quyết giải tỏa và được tái định cư tại chỗ.
Nếu công trình thuộc quy hoạch nhưng lấn chiếm không gian, lấn chiếm đất đai, lấn chiếm chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ gây khiếu kiện phức tạp: Hội đồng phải quyết định buộc chủ đầu tư tự tháo dỡ.
Trái quy hoạch: Cho tồn tại nhưng...
Dự thảo cũng nêu rõ hướng xử lý các trường hợp xây dựng trái quy hoạch. Theo đó, đối với những điểm dân cư đã xây dựng nhưng trái quy hoạch xây dựng, hội đồng họp, xác định thời hạn thực hiện quy hoạch xây dựng, đồng thời có phương án chuẩn bị khu tái định cư mới cho những hộ dân tại điểm dân cư này. Trong thời gian quy hoạch xây dựng chưa được thực hiện, yêu cầu các hộ dân làm thủ tục xin cấp phép xây dựng tạm có thời hạn, có cam kết tự nguyện phá dỡ không bồi thường. Tương tự, nếu công trình không nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư nhưng quy hoạch này chưa thực hiện thì chủ đầu tư phải xin cấp phép xây dựng tạm và phải tự phá dỡ khi quy hoạch được thực hiện.
“Trong tất cả công trình nêu trên (vi phạm phù hợp với quy hoạch hoặc không phù hợp với quy hoạch - PV), nếu còn thời hiệu xử phạt vi phạm thì sẽ xử phạt theo mức cao nhất cho từng hành vi vi phạm” - ông Yên cho biết.
Bồi thường xong mới được xây tiếp?
Ngoài ra, dự thảo còn đề cập hướng xử lý đối với việc bồi thường khi thi công gây hư hỏng công trình lân cận. Cụ thể trường hợp cá nhân, tổ chức xây nhà, công trình gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì phải ngừng thi công. Sau đó, chủ đầu tư công trình vi phạm và đại diện bên bị thiệt hại đến UBND cấp phường để thỏa thuận mức bồi thường. Nếu thỏa thuận không thành, các bên có quyền yêu cầu một tổ chức tư vấn kiểm định và đưa ra mức bồi thường thiệt hại. Trường hợp hai bên không đồng ý thì phải kiện ra tòa. Sau khi thực hiện xong phán quyết của tòa, công trình mới được tiếp tục xây dựng.
Không phạt thay đổi về nội thất
Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết theo tinh thần của dự thảo, trường hợp theo thiết kế một tầng nhà chỉ có một phòng nhưng gia chủ ngăn ra làm hai phòng thì không bị phạt. Tương tự, việc thay đổi vị trí cầu thang từ bên trái qua bên phải của căn phòng, xây thêm nhà vệ sinh so với thiết kế... cũng không bị coi là vi phạm giấy phép xây dựng và không bị phạt. Những trường hợp thay đổi khác nhưng không thuộc một trong những nội dung quy định trong giấy phép xây dựng thì được coi như không sai phép.
Minh thị rõ thế nào là sai phép
Theo dự thảo, công trình xây dựng sai phép thuộc một trong các trường hợp sau: Thay đổi vị trí xây dựng công trình, sai cốt nền xây dựng công trình, vi phạm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp và nhà ở riêng lẻ trong đô thị, xây dựng sai phép còn thuộc một trong những trường hợp sau: Xây sai diện tích tầng một hoặc tổng diện tích sàn lớn hơn diện tích trong giấy phép; chiều cao công trình hoặc số tầng vượt quá chiều cao hoặc số tầng trong giấy phép; thay đổi mục đích sử dụng công trình theo dự án được duyệt hoặc theo giấy phép.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP