Top

Bộ Xây dựng bác tin ưu ái doanh nghiệp trong gói 30.000 tỷ

Cập nhật 26/07/2013 08:48

Sau gần 2 tháng triển khai, số tiền giải ngân được quá ít so với quy mô gói 30.000 tỷ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho hay không có sự phân biệt đối xử.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng khẳng định, đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào cho vay sai đối tượng và điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 7 vừa qua, số tiền giải ngân cho cá nhân vay vốn mới dừng lại ở 11 tỷ đồng, với 56 khách hàng. Bộ Xây dựng cho biết, một số ý kiến cho rằng, các ngân hàng đang quá chặt chẽ và thận trọng trong giải ngân gói 30.000 tỷ đồng.

Dù thế, phía Bộ Xây dựng đã bác bỏ thông tin chỉ tập trung ưu tiên cho doanh nghiệp mà "lờ" đi khách hàng cá nhân. Vì theo quy định, những trường hợp hộ gia đình, cá nhân được vay vốn phải bảo đảm điều kiện có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc thuê, mua nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đã ký với chủ đầu tư sau ngày 7/1/2013 (là thời điểm Nghị quyết 02/NQ-CP có hiệu lực). Do vậy, trước mắt, các chủ đầu tư phải có sản phẩm để người dân lựa chọn, ký kết hợp đồng trước khi thực hiện thủ tục vay vốn.

Bộ Xây dựng cho biết không có chuyện doanh nghiệp Nhà nước hay các đơn vị ở địa bàn miền Bắc được ưu tiên gói 30.000 tỷ mà sẽ phân bổ hợp lý, đồng đều cả nước. Ảnh: Hoàng Anh.

Với băn khoăn về việc "phân biệt đối xử" với thị trường TP.HCM khi ở đây có nhiều dự án nhưng không được vay vốn, mà những chủ đầu tư được vay phần lớn là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng và ở miền Bắc, Bộ Xây dựng cho biết, ý kiến trên không có cơ sở. Vì thực tế, trong số 30 dự án Bộ đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét cho vay, chỉ có 4 thuộc doanh nghiệp Nhà nước (13%), 4 doanh nghiệp cổ phần Nhà nước không chi phối (chiếm 13%) còn lại là 22 dự án của các đơn vị thuộc thành phần kinh tế khác. Riêng TP.HCM đã có 5 dự án, Đà Nẵng 6, Đồng Nai 3, Hà Nội chỉ có 4, và các địa phương còn lại một dự án. "Tiêu chí xác định doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi cũng không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với các thành phần kinh tế hay có sự phân biệt theo vùng miền, địa phương", đại diện Bộ Xây dựng khẳng định.

Do trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao, nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương không nhiều. Chính vì vậy, ban đầu phải tập trung cho các dự án vay để triển khai hoàn thiện móng, tạo nguồn cung cho thị trường. Khi đó, mới có nhà cho khách hàng ký hợp đồng mua. Từ đó, ngân hàng mới có cơ sở để giải ngân gói hỗ trợ cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân nhiều, Bộ Xây dựng nêu quan điểm.

Trước đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, xây dựng nhà ở xã hội là rất đáng hoan nghênh nhưng phải sử dụng nguồn vốn khác. Theo ông, trong Nghị quyết số 02/NQ-CP, gói 30.000 tỷ đồng chỉ dùng để giải phóng hàng bất động sản tồn kho, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách, dân nghèo tiếp cận được nhà ở dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2. Trước ý kiến này, Bộ Xây dựng chỉ rõ: tại điểm a mục 3 Phần I của Nghị quyết số 02/NQ-CP quy định đối tượng được vay vốn của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng từ nguồn cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước là hộ gia đình, cá nhân được vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Đồng thời, Nghị quyết 02 cũng quy định đối tượng được vay vốn là doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang thành nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cho rằng, hàng tồn kho bất động sản không chỉ bao gồm các sản phẩm nhà ở thương mại đã hoàn thành hoặc đang xây dựng dở dang mà còn bao gồm cả các dự án đã triển khai việc giải phóng mặt bằng, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng một phần công trình... Và hầu hết các dự án nhà ở xã hội được triển khai đều được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới. Để có quỹ “đất sạch” 20%, các doanh nghiệp (và cả khách hàng góp vốn) đã đầu tư chi phí để giải phóng mặt bằng, đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu.

Do vậy, việc sử dụng gói hỗ trợ để cho vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội là giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa góp phần giải quyết nhà ở cho các đối tượng gặp khó khăn, đồng thời vừa giải quyết tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng và các hàng hóa khác.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet