Top

Biệt thự hoang: Đừng đổ hết tội cho đầu cơ

Cập nhật 08/06/2011 15:15

Theo công bố của Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện đang có gần 700 biệt thự bỏ hoang. Những biệt thự bỏ hoang này đang gây xấu mỹ quan đô thị. Nhưng, có phải mọi lỗi lầm đều do người đầu cơ?

Như báo đã có bài phản ánh về tình trạng “hoang hóa” tại các khu đô thị mới ở Hà Nội. Trong số những nguyên nhân để xảy ra tình trạng bỏ hoang này, Bộ Xây dựng nhận định việc nhiều khu đô thị hoang là do hiện tượng đầu cơ, tích trữ tài sản còn phổ biến. Nhưng, vấn đề có phải do hiện tượng đầu cơ?

Thời gian qua, tình trạng các biệt thự, chung cư xây dựng rồi bỏ hoang không có người ở đã gây bức xúc trong dư luận. Mới đây, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cùng Sở Xây dựng Hà Nội cũng đưa ra kết quả sơ bộ sau khi kiểm tra tình trạng xây dựng, sử dụng của gần 2.700 căn biệt thự tại Hà Nội.

Theo đó, trong số gần 2.700 căn biệt thự tại các huyện nội ngoại thành khu vực Hà Nội, có đến 1.743 căn đã được sử dụng, chiếm khoảng 65%. Số còn lại chưa đưa vào sử dụng, vẫn còn ở tình trạng xây thô, bỏ hoang. Nhiều trường hợp dự án sau khi được phê duyệt 7 năm vẫn chưa hoàn thiện.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng thừa nhận rằng, việc chủ đầu tư bàn giao nhà nhưng không rằng buộc đầy đủ về trách nhiệm hoàn thiện nên mới xảy ra tình trạng "hoang hóa" thế này!

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất đánh thuế đối với những biệt thự bỏ hoang.

Theo nhận định của Bộ Tài chính việc xuất hiện ngày càng nhiều những khu biệt thự, căn hộ xây dựng lên nhưng không có người ở là do có đầu cơ trong kinh doanh bất động sản. Do vậy, Bộ này cho rằng những trường hợp như vậy nên xem xét áp thuế để hạn chế tiêu cực.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh: Chủ nhân của những ngôi nhà bỏ hoang thường chủ yếu là giới đầu cơ. Vì vậy phải đánh thuế làm sao để họ không giữ nổi cái nhà bỏ không đó nữa. Ít nhất người ta cũng phải cho thuê, bởi nếu cứ bỏ hoang thì sẽ phải đóng thuế cao. Chứ nếu với mức thuế thấp, người có nhà còn chịu nổi, người ta cứ bỏ nhà hoang đấy thì cũng không làm gì được.

Theo ông Võ, sắc thuế riêng cho nhà bỏ hoang, nghĩa là nhà không có người ở là rất cần thiết. “Theo tôi, mức thuế phải đóng đối với nhà bỏ hoang 2%-3% giá trị nhà/năm như dự kiến của Bộ Tài chính là hợp lý. Có nghĩa là mức thuế phải bằng hoặc cao hơn giá cho thuê nhà, lúc đó mới loại bỏ được việc bỏ hoang”, ông Võ nói.

Lý do nên thu thuế là vì sở hữu đối với bất động sản có cái khác so với các tài sản khác. "Anh mua cái ôtô, không dùng cũng không sao. Anh mua cái bút, bỏ đi cũng được. Vì điều đó không ảnh hưởng gì đến ai. Nhưng với bất động sản, anh không sử dụng thì lại làm ảnh hưởng đến người khác, vì quỹ nhà đất có hạn. Nhà đất là của anh nhưng anh phải sử dụng theo quy hoạch của Nhà nước. Vì vậy, không thể lý luận cùn: “Nhà đất của tôi, tôi muốn làm gì cũng được”, ông Võ nói.

Có điều, theo chuyên gia Nguyễn Văn Hải, nếu áp thuế đối với nhà hoang là vô lý. Bởi, đầu cơ hay không đầu cơ không phản ánh rằng đang làm xấu đi thị trường bất động sản.

Nếu cho rằng nhà hoang đang làm xấu đô thị thì hoàn toàn đúng nhưng nếu đổ lỗi cho người đầu cơ thì cần xem xét lại!

Khi bàn đến nhà hoang, chúng ta cần nhìn nhận ở ba góc độ: Góc độ sở hữu; góc độ pháp luật và góc độ mỹ quan đô thị.

Xét ở góc độ sở hữu, rõ ràng việc mua nhà, sở hữu tài sản là quyền của mỗi người dân. Đây là việc làm hoàn toàn đúng luật pháp. Bởi khi mua nhà, người mua đã thực hiện mọi yêu cầu của luật pháp, phải chi trả mọi khoản cho khối tài sản mình định mua rồi.

Đúng là hiện tại, về mặt mỹ quan đô thị, việc tồn tại các khu nhà hoang đang có vấn đề. Nhưng, chúng ta cần phải cho họ điều kiện để họ hoàn thành, không thể dùng biện pháp hành chính để xử phạt họ được. Điều này thì cần căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa bên bán và bên mua.

Chính Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khi kiểm tra về tình trạng nhà hoang trên địa bàn Hà Nội cũng phải thừa nhận rằng, lỗi để tình trạng nhà hoang là do chủ đầu tư bàn giao nhà thấp tầng xây thô cho người mua, trong khi không có sự ràng buộc đầy đủ về trách nhiệm hoàn thiện nhà ở. Vì vậy chỉ những người mua có nhu cầu ở hoặc khai thác ngay mới hoàn thiện nhà để sử dụng, những người chưa có nhu cầu sử dụng nhà ở ngay thì chậm trễ trong việc hoàn thiện nhà.

"Quá khứ tạo ra thực trạng phải đề xuất những biện pháp khác để khắc phục thì mới khả thi. Bây giờ mà bắt lỗi hành chính với những người mua nhà vô tình chúng ta đang làm vi phạm vào quyền sở hữu", anh Trần Văn Hưng, một chuyên gia bất động sản nói.

Mặt khác, nếu theo như viêc quy trách nhiệm của Bộ Xây dựng, đề xuất thu thuế của Bộ Tài chính thì cần thu của ai cũng phải xem xét kỹ lưỡng.

"Nếu chủ đầu tư bàn giao mà khách hàng không hoàn thiện thì khách hàng phải chịu tiền phạt hoặc ngược lại. Có điều, việc thu thuế chắc chắn không làm lành mạnh việc đầu tư kinh doanh bất động sản. Lành mạnh là làm cách nào tạo ra nhiều nhà ở mà phục vụ cho đại bộ phận người dân có nhu cầu", anh Hưng nói.

Năm 2009, khi làm dự thảo Luật Thuế nhà đất, ban soạn thảo đã đưa cả nhà vào là đối tượng chịu thuế. Nhưng khi đưa ra Quốc hội, nhiều ý kiến không đồng tình với lý do: Nhà của ta chưa đủ để ở, thu nhập của người dân còn thấp; vì vậy chưa nên đánh thuế nhà...

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia