Top

Toàn cảnh đô thị mới Hà Nội: Thiếu cân đối và lãng phí lớn

Cập nhật 08/06/2011 09:10

Số lượng nhà thấp tầng, biệt thự bỏ hoang gây lãng phí đang chiếm khá nhiều tại các khui đô thị. Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản vừa có báo cáo rà soát việc thực hiện dự án và sử dụng nhà ở tại một số dự án khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Kết quả kiểm tra tại 18 dự án, khu đô thị cho thấy, tỷ lệ cơ cấu nhà ở thấp tầng và chung cư cao tầng theo thiết kế của các dự án không đồng đều và thiếu cân đối; nhà thấp tầng chiếm tỷ lệ cao, không phù hợp với đặc thù của một đô thị phát triển, có mật độ dân số cao và tập trung. Bên cạnh đó tỷ lệ nhà đã hoàn thiện nhưng chưa có người ở còn không ít.

Hầu hết chậm tiến độ

Theo kết quả kiểm tra, tổng số lượng nhà ở tại 18 dự án đã được xây dựng và đang hoàn thiện là 22.823 căn. Trong đó, có 15.404 căn hộ chung cư và 7.419 nhà ở thấp tầng (3.106 biệt thự, 4.313 nhà liền kề). Nhà ở thấp tầng và chung cư trong các dự án về cơ bản đã được xây dựng.

Tại các dự án ở xa khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, hoặc đã được triển khai thực hiện từ những năm trước, tỷ lệ nhà ở thấp tầng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu các loại nhà ở của dự án.

Cụ thể: dự án Khu đô thị mới Trung Yên, nhà thấp tầng chiếm 66,3%, nhà chung cư cao tầng chiếm 33,7%; dự án Khu nhà ở Quang Minh1 và Quang Minh 2, nhà thấp tầng là 100%; dự án Khu đô thị mới Định Công, nhà thấp tầng chiếm 60,2%, nhà chung cư cao tầng chiếm 39,8%; với Khu đô thị mới Văn Quán, nhà thấp tầng chiếm 55,7%, nhà chung cư cao tầng chiếm 44,3%.

Duy chỉ có dự án Khu đô thị mới Bắc Linh Đàm, nhà thấp tầng có tỷ lệ thấp hơn nhà cao tầng nhưng cũng chiếm tới gần 40%.

Một số dự án gần khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, hoặc được triển khai thực hiện trong những năm gần đây có tỷ lệ nhà cao tầng nhiều hơn, như khu đô thị mới Dịch Vọng - Cầu Giấy, dự án Khu đô thị Mễ Trì Hạ, Mỹ Đình 1...

Về tiến độ thực hiện các dự án, theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, các dự án được kiểm tra rà soát chủ yếu nằm tại khu vực ngoại thành Hà Nội cũ và những khu vực mới sáp nhập, đều được phê duyệt và bắt đầu triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2006.

Các dự án trong đợt kiểm tra này đều bị chậm tiến độ thực hiện so với tiến độ đầu tư dự án được phê duyệt từ 1 đến 3 năm (như các dự án khu đô thị mới Quang Minh, khu đô thị Ciputra), cá biệt có những dự án chậm tới 5 năm (như khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh).

Hầu hết các dự án đã xây dựng tương đối đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chung của dự án, như các khu đô thị: Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2, Linh Đàm, Định Công, Ciputra, Việt Hưng...

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số dự án chưa hoàn chỉnh việc đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của dự án dù tiến độ dự án đã bị chậm nhiều so với quyết định phê duyệt dự án, như khu đô thị mới Mỗ Lao, khu đô thị Quang Minh 1 và Quang Minh 2.

Có dự án đã bàn giao nhà và người dân đã về ở nhưng vẫn chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xã hội như chưa cấp điện, nước đúng như dự án đầu tư được phê duyệt và thiếu đồng bộ.

Việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật và khớp nối giao thông của dự án với các dự án khác và với khu vực lân cận thực hiện chưa tốt (như dự án khu đô thị mới Mỗ Lao) khiến người dân chưa thể đến ở.

Một số dự án đã hoàn thành phần lớn các hạng mục nhà ở, dân cư đã vào ở nhiều năm mà vẫn chưa có trường học, bệnh viện và các tiện ích công cộng.

Lãng phí lớn

Kết quả rà soát tình hình sử dụng nhà ở tại các dự án, khu đô thị cũng cho thấy, hầu hết các dự án hiện tại đã đi vào vận hành khai thác và có dân cư sinh sống, có dự án dân cư đã về ở rất đông đúc (như các khu đô thị mới Trung Yên, Mỹ Đình, Linh Đàm).

Tuy nhiên cũng có một số dự án mặc dù đã xây dựng nhà ở từ rất lâu, nhưng chỉ có rất ít người dân đến ở (như các khu đô thị Quang Minh, Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh).

Đáng chú ý, cho đến nay chưa có dự án nào hoàn thành toàn bộ việc đầu tư dự án.

Những dự án có số lượng nhà chưa sử dụng nhiều là dự án khu nhà ở Quang Minh 1 chưa có căn biệt thự nào được sử dụng; khu nhà ở Quang Minh 2 còn 106/208 căn biệt thự và 67/106 căn liền kề chưa hoàn thiện; khu đô thị mới Dịch Vọng có 67/82 căn biệt thự và 26/72 căn nhà liền kề chưa sử dụng;

Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp còn 100/213 căn biệt thự chưa sử dụng; khu đô thị mới Mỗ Lao - Làng Việt kiều Châu Âu còn 186/257 căn biệt thự và 191/262 căn nhà liền kề chưa sử dụng.

Thậm chí kể cả những dự án cơ bản đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như khu đô thị Mỹ Đình 2 vẫn còn 19/206 căn biệt thự chưa sử dụng; khu đô thị mới Trung Yên cũng còn 5/61 căn biệt thự và 26/646 căn nhà liền kề chưa sử dụng.

Theo đánh giá chung của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, tình trạng nhà biệt thự, nhà liền kề chưa hoàn thiện, chưa đưa vào sử dụng tại các khu đô thị có tỷ lệ cao, diễn ra phổ biến đã gây ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế xã hội, gây lãng phí rất lớn về tài nguyên đất, lãng phí về tiền của của nhân dân, xã hội.

Đồng thời, cũng gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh xã hội và môi trường đô thị tại địa phương.

Để xảy ra tình trạng trên, theo cơ quan này, có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó chủ yếu là do hệ thống các quy định pháp luật hiện tại chưa chú trọng đúng mức tới việc quản lý và hạn chế cá nhân sở hữu nhiều nhà đất.

Đặc biệt quy định về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp dường như không có hiệu quả trong việc chống đầu cơ đất đai, không thể ngăn chặn được hoạt động đầu cơ bất động sản là nhà đất. Người nắm giữ nhiều đất đai vượt quá hạn mức diện tích đất được sử dụng chưa được tính thuế phù hợp.

Bên cạnh đó lại chưa có quy định về trách nhiệm đối với chính quyền địa phương trong việc chậm thực hiện triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội liền kề có liên quan đến dự án cũng như các chế tài xử phạt các cá nhân, tổ chức liên quan.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy