Đã có gần 500 cây xanh bị xâm hại vì bê tông hoá vỉa hè
Gạch con sâu lót vỉa hè trên hàng chục tuyến đường khu vực trung tâm TP.HCM dù vẫn còn tốt, nhưng vẫn bị lật tung lên để thay thế mới bằng gạch terrazo. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: việc đầu tư này có mang lại hiệu quả, hay gây lãng phí lớn?
Các chuyên gia phản đối
Vỉa hè đang triển khai xây dựng tại các quận ở TP.HCM là thực hiện theo mẫu kết cấu của sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM. Theo đó, vỉa hè được đào sâu 20cm và đổ đá dăm lên, sau đó lu lèn, rồi đổ lớp bê tông dày 5cm, tráng một lớp vữa dày 2cm lên trên. Mặt hoàn thiện trên cùng dày 3cm sẽ được lát đá, hoặc gạch terrazo có kích thước 40 x 40cm.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, kỹ sư Phan Phùng Sanh, phó chủ tịch thường trực hội Khoa học kỹ thuật xây dựng thành phố phân tích, gạch terrazo là loại gạch khá đẹp, dễ lát, khá chắc chắn (nếu không ăn bớt xi măng). Tuy nhiên, khi lát loại gạch này, toàn bộ vỉa hè sẽ bị bê tông hoá, nước không thẩm thấu vào lòng đất, mực nước ngầm thành phố sẽ giảm, làm cho cây xanh chậm phát triển, gây nhiều hậu quả xấu: nước mặn thâm nhập, sụt, lún đất… Khi ấy, toàn bộ nước mưa sẽ đổ dồn xuống cống, gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dẫn đến ngập lụt cục bộ. Đó là chưa kể, khi vỉa hè bị bê tông hoá sẽ gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến thời tiết tại TP.HCM. Lớp đất dưới lớp bê tông thiếu nước, nên khi trời nóng, sẽ không thể bốc hơi để “giải nhiệt” cho không khí, khiến nhiệt độ thành phố sẽ trở nên khắc nghiệt hơn. Về lâu dài, tình trạng này sẽ khiến cho không khí ở khu vực TP.HCM khô nóng hơn, mất cân bằng nhiệt so với các khu vực lân cận.
Theo kỹ sư Sanh, giá thành của gạch terrazo cao hơn nhiều lần gạch con sâu. Vấn đề quan trọng nhất là chất lượng của các loại gạch, một số nơi, mấy năm trước đây lát gạch terrazo, nay cũng đã bị xuống cấp, phải thay thế. Còn gạch con sâu sử dụng lâu hơn, có những nơi còn rất tốt. Rõ ràng chất lượng quyết định chứ không phải là do loại gạch gì.
Đồng quan điểm với kỹ sư Sanh, giáo sư Lê Huy Bá, viện trưởng viện Môi trường thuộc đại học Công nghiệp TP.HCM tính toán, thành phố hiện có khoảng 300.000m đường vỉa hè. Nếu bê tông hoá, thành phố sẽ mất đi khoảng 900.000m2 mặt đất để thấm nước (300.000m x 1,5m x 2). Khi ấy, chắc chắn tình trạng ngập lụt sẽ tăng thêm. GS Bá đánh giá: nếu bê tông hoá bằng gạch terrazo, tức là ngăn nước mưa thấm xuống đất, không bổ sung nguồn nước ngọt cho đất… Điều này, tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập vào thành phố, dẫn đến tình trạng thành phố thiếu nước ngọt; nhiều loại cây sẽ không thể phát triển.
PGS–TS Đoàn Cảnh, viện Sinh học nhiệt đới phân tích tác hại mới khi sử dụng gạch terrazo để lát vỉa hè, đó là: khi bê tông hoá vỉa hè, sẽ làm cho đất phía dưới mất đi độ ẩm, gây khô xốp, tạo ra những lỗ hổng và dễ gây sụt lún. Lâu dần, lớp đất này sẽ trở thành đất chết. Đất thiếu độ ẩm sẽ không thể cung cấp nước cho cây xanh trồng dọc vỉa hè. Vả lại, khi nước mưa thấm được xuống đất, sẽ mang theo những chất bẩn trên vỉa hè xuống lòng đất. Chất bẩn được giữ lại ở lớp đất đá bên trên sẽ được các sinh vật tại đây phân huỷ theo quy luật tự nhiên. Trái lại, nếu nước cuốn chất bẩn dồn hết xuống cống, lâu dần sẽ gây tắc nghẽn trong hệ thống thoát nước.
Vỉa hè nham nhở do quy định?
Tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị cho thấy, sở GTVT thành phố ban hành ba loại kết cấu mẫu vỉa hè và bốn loại triền lề để các quận, huyện thực hiện. Cụ thể, kết cấu vỉa hè loại 1 là gạch terrazo (gạch khía); loại 2 là bê tông xi măng đá 1*2, M200; loại 3: gạch bê tông tự chèn (gạch block, gạch con sâu). Về triền lề, vật liệu chủ yếu là bê tông đá 1*2, M300, đá xanh gồm bốn loại: thẳng đứng, vát, xéo, lòng máng và loại kết hợp dành cho người tàn tật tiếp cận sử dụng.
Lý giải cho việc sử dụng tới ba kết cấu trên, sở GTVT cho biết, tuỳ địa thế, mỹ quan từng tuyến đường, khu vực, UBND các quận huyện “tuỳ cơ ứng biến” chọn loại kết cấu nào. Sở GTVT khẳng định, những quy định này nhằm hạn chế những bất cập, tạo sự đồng bộ trong quản lý, xây dựng vỉa hè. Trong khi ấy, trên thực tế, các vỉa hè đều nham nhở, mấp mô, thiếu đồng bộ, cụ thể: đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám, Sương Nguyệt Anh, Lê Lợi, Nguyễn Kim, Cống Quỳnh… đều rơi vào tình trạng có đoạn lát gạch con sâu, đoạn lát gạch tàu, đoạn thì trám xi măng trơn nhớt, thậm chí có chỗ còn lát cả gạch bông, làm cho vỉa hè vốn đã cũ kỹ, lại càng trở nên nham nhở. Đó là chưa kể nhiều đoạn vỉa hè có độ thấp, cao khác nhau, khiến người đi đường rất khó chịu.
Ông Nguyễn Quang Chúc, phó chủ tịch UBND quận 1 thừa nhận lâu nay, tất cả các vỉa hè trên địa bàn quận được đầu tư theo kiểu “hư đâu sửa đó”, vừa tốn tiền ngân sách, nhưng bộ mặt vẫn như một áo rách được “chắp vá”. Do vậy, lần này quận 1 quyết tâm thay mới 100% vỉa hè với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng. Quận 3 đã duyệt kế hoạch cải tạo lại vỉa hè trên 23 tuyến đường; UBND quận 10 cũng đã phê duyệt cải tạo vỉa hè trên chín tuyến đường. Trước thực trạng này, HĐND TP.HCM cho biết, HĐND đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố về vấn đề này.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị