Đó là hai cây cầu Nguyễn Văn Cừ và cầu Chữ Y. Cả hai đều có một lịch sử và một cấu trúc rất đặc biệt…
Cầu Nguyễn Văn Cừ: đã nên dáng
Lịch sử của cầu Nguyễn Văn Cừ là lịch sử của sự chậm… giải phóng mặt bằng và phải đấu thầu nhiều lần mới tìm được nhà thầu. Tuy nhiên, hiện nay tất cả những điều ấy đã là quá khứ. Cầu Nguyễn Văn Cừ chưa chính thức hoàn thành nhưng trong những ngày này đã có rất nhiều người dân lên mặt cầu thư giãn và vui chơi.
Trên nhánh cầu được thông xe, đã có xe cộ đi lại tấp nập. Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Khu quản lý Giao thông số 1 - chủ đầu tư công trình, cầu Nguyễn Văn Cừ có một cấu trúc rất đặc biệt: một nhánh chính nối quận 1 với quận 8 và ở ngay giữa cầu lại có đến 3 nhánh rẽ nối vào quận 4. Thoạt nhìn, cầu có hình dáng giống như cầu Chữ Y nhưng thực ra lại không phải vậy. Nếu như đi cầu Chữ Y, người tham gia giao thông phải qua một giao lộ ngay trên cầu (nơi 3 hướng giao thông tụ về) thì đi cầu Nguyễn Văn Cừ sẽ không phải đối mặt với vấn đề ấy.
Với 3 nhánh rẽ vào quận 4, khác mức với nhánh cầu chính, cầu Nguyễn Văn Cừ không có các giao cắt (trong giao thông) ngay trên mặt cầu. Điều này sẽ làm cho việc lưu thông an toàn hơn. Những ngày cuối tháng 4-2009, công trường thi công cầu Nguyễn Văn Cừ sôi động hơn bao giờ hết. Toàn công trường lao động 3 ca để hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Ông Đỗ Đình Thám, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Xây dựng cầu 75-nhà thầu thi công nhánh cầu chính cho biết, công nhân của đơn vị đang làm lan can, lề bộ hành và thảm nhựa mặt cầu…
Theo ông Đỗ Đình Thám, về cơ bản cả nhà thầu và chủ đầu tư đều nóng lòng cho việc hoàn thành cây cầu vào dịp 30-4 và 1-5 sắp tới. Tuy nhiên, riêng nhà thầu vẫn còn một chút tâm tư: tiền bù trượt giá vẫn chưa được tính toán thỏa đáng cho nhà thầu. “Nếu vấn đề này được xử lý thì chúng tôi vui hơn”, ông Đỗ Đình Thám nói.
Cầu Chữ Y: đã qua giai đoạn thi công khó nhất
Cầu Chữ Y vốn được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Cầu đã qua khá nhiều lần sửa chữa, nâng cấp. Thoạt đầu, việc cải tạo cầu Chữ Y không được đưa vào dự án xây dựng Đại lộ Đông-Tây. Tuy nhiên, do tĩnh không của một nhánh cầu qua quận 5 thấp, không đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông dưới Đại lộ Đông-Tây (Đại lộ Đông-Tây đi dưới gầm cầu Chữ Y) nên thành phố đã đưa hạng mục cải tạo mà thực chất là xây dựng mới nhánh cầu này vào dự án. Nhánh cầu mới sẽ có tĩnh không 4,7m-đủ để đảm bảo cho các loại xe lưu thông an toàn.
Việc xây dựng mới một nhánh cầu Chữ Y nối qua quận 5 là một kỳ công của các cán bộ công nhân viên chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu. Họ phải làm một nhánh cầu mới và khớp nối với 2 nhánh cầu cũ. Cái khó ở đây chính là kỹ thuật xây dựng cầu của 2 thời kỳ đã hoàn toàn khác nhau. Ông Nguyễn Anh Tuấn, một kỹ sư trẻ của nhà thầu Obayashi (thực hiện xây dựng nhánh cầu mới) cho biết, để ráp nối cầu thành công, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế phải khảo sát thật kỹ tình trạng kỹ thuật của cầu cũ.
Trên cơ sở này, tư vấn thiết kế mới đưa ra phương án làm nhánh cầu mới. Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn thuộc về nhà thầu bởi giữa những tính toán trên giấy tờ và thực tế công trường luôn có sự chênh nhau. Ông Nguyễn Anh Tuấn nhớ lại: Nhà thầu đã phải “toát mồ hôi” trong quá trình căng cáp ráp nối nhánh cầu mới với cầu cũ. “Đây là thao tác “không được phép sai” vì có sai sót thì hậu quả sẽ khôn lường. Chúng tôi đã thở phào khi việc ráp nối này thành công”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Hiện nay, trên công trường cải tạo và xây dựng mới một phần cầu Chữ Y, không khí lao động cũng rất nhộn nhịp. Nhiều công nhân lao động đang trải nhựa trên đường dẫn, lắp lan can và hệ thống chiếu sáng. Cán bộ, kỹ sư Việt Nam và Nhật Bản đang nỗ lực làm việc 3 ca để có thể đưa công trình vào hoàn thành trong dịp lễ 30-4 và 1-5.
Những ngày này, ông Lê Toàn, Phó Giám đốc chuyên trách giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng liên tục có mặt trên công trường để theo dõi tiến độ thi công. Gặp chúng tôi trên công trường thi công cầu Nguyễn Văn Cừ, ông cho biết: Việc hoàn thành 2 cây cầu này sẽ làm cho khoảng cách giữa trung tâm thành phố và khu Nam Sài Gòn thu hẹp lại. Từ cầu Nguyễn Văn Cừ, người dân chỉ mất khoảng 15 phút là đã có thể đến khu Nam bởi đoạn đường này chỉ còn gần 2,5km. Tất cả đang góp phần cho khu Nam TPHCM phát triển.
Cầu Nguyễn Văn Cừ
* Nhánh chính: 4 làn xe, dài 550m.
* Các nhánh phụ: 2 làn xe, dài hơn 1.000m.
Đường dẫn vào cầu: 2.500m.
(Nguồn: Sở Giao thông vận tải TPHCM)
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng