Top

Bế tắc đền bù, giải tỏa

Cập nhật 29/09/2014 10:45

Công tác đền bù giải tỏa ở nhiều dự án kéo dài hàng chục năm nhưng chính sách đền bù hầu như không thay đổi. Càng kéo dài, phương án đền bù càng lạc hậu khiến người có đất bị thu hồi cảm thấy bị thiệt thòi nhiều hơn. Trong khi đó, muốn thay đổi phương án đền bù cho một dự án rất khó khăn, nhất là những dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Giá đền bù quá thấp

Hơn 10 năm trước, Tổng công ty Đô thị đầu tư dự án khu đô thị Đông Tăng Long (quận 9, TPHCM) với quy mô 156ha. Đến nay dự án vẫn chưa đền bù xong, chủ yếu do giá đền bù quá thấp: đất nông nghiệp chưa đến 200.000 đồng/m2, đất ở cao nhất 1,2 triệu đồng/m2.

Tương tự, năm 2004 UBND TPHCM có quyết định giao đất cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại 12 đầu tư xây dựng khu nhà ở tại phường Hiệp Thành (quận 12), trong đó thu hồi 125.538ha và diện tích được giao là 119.944ha. Tuy nhiên, đến nay công tác đền bù, giải tỏa dự án vẫn chưa hoàn thành. Theo UBND quận 12, dự án được thực hiện theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24-4-1998 của Chính phủ về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Tuy nhiên, nhiều người dân có đất bị thu hồi trong dự án lại cho rằng, đây là dự án kinh doanh nhà ở vốn ngoài ngân sách, nên chủ đầu tư phải trực tiếp thương lượng với dân, chính quyền không nên can thiệp. Do công tác đền bù kéo dài quá lâu, đơn giá đền bù không còn phù hợp với thực tế khiến nhiều hộ dân không đồng ý, mặc dù chủ đầu tư có chính sách hỗ trợ thêm cho người có đất bị thu hồi.

Một trường hợp khác là dự án khu dân cư An Sương (quận 12), sau hơn 15 năm triển khai đến nay vẫn còn 11ha chưa đền bù giải tỏa trong tổng số gần 65ha của toàn bộ dự án. Ông Mai Văn Hữu, Giám đốc Ban Quản lý dự án, cho biết đến thời điểm này mặc dù chính sách hỗ trợ của công ty tăng lên nhiều, nhưng do khung giá đền bù được ban hành cách đây hơn 10 năm nên không còn phù hợp.

Tương tự, dự án khu tái định cư 38ha Tân Thới Nhất cũng được triển khai hơn 10 năm nay nhưng chính sách đền bù hầu như không có gì thay đổi. Đất nông nghiệp trong dự án đến nay chỉ được đền bù 180.000 đồng/m² cộng lăi suất, hỗ trợ thêm cũng chỉ trên dưới 400.000 đồng/m2. Trong khi đó các dự án liền kề (được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước) được đền bù, hỗ trợ theo chính sách mới với đơn giá gấp hàng chục lần. Chính sự bất hợp lý này nên nhiều người dân quyết bám trụ và dự án trở nên bế tắc.

Ông H.T, một người dân bị ảnh hưởng trong dự án 38ha, cho biết đất thổ cư xung quanh được giao dịch lên đến hơn 20 triệu đồng/m², nhưng Nhà nước đền bù chỉ vài trăm ngàn đồng là rất bất hợp lý. Trong số gần 400 dự án TP thu hồi vừa qua có rất nhiều dự án chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc đền bù rất ít.

Kỳ vọng chính sách mới

Tại các dự án sử dụng vốn ngân sách, việc thay đổi đơn giá đền bù rất khó. Ngoài ra, một số nơi cũng có tâm lý nếu thay đổi đơn giá, e rằng những người đã nhận tiền đền bù sẽ quay lại đòi hỏi quyền lợi, làm tình hình phức tạp. Chính vì vậy, tại hầu hết các dự án, chính quyền địa phương vẫn giữ nguyên khung giá đền bù, chỉ tăng thêm phần hỗ trợ như chính sách tái định cư, lăi suất, thưởng cho việc tự nguyện di dời sớm…

Ông Trầm Văn Hoàng,Trưởng Ban đền bù-giải phóng mặt bằng quận 12, cho biết có những chính sách không còn phù hợp do ban hành quá lâu, nhưng để thay đổi cũng rất khó, phải qua nhiều sở, ngành. Tại dự án 38ha, quận cũng thấy việc giữ nguyên khung giá đền bù như trước đây không còn phù hợp và đã đề xuất TP nhiều chính sách theo hướng tăng mức hỗ trợ cho người bị thu hồi đất để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) được đánh giá là sẽ khắc phục những bất cập nói trên. Theo đó, người sử dụng đất (bao gồm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp) kể cả trong và ngoài nước có thể nhận đền bù bằng nhà, đất hoặc tiền tùy theo từng trường hợp. Tuy nhiên, giá đất bồi thường khi thu hồi đất sẽ không áp dụng theo bảng giá đất như quy định hiện hành mà áp dụng theo giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Càng kéo dài, phương án đền bù càng lạc hậu khiến người có đất bị thu hồi cảm thấy bị thiệt thòi nhiều hơn.

Đây là điểm sáng trong việc hoàn thiện cơ chế tài chính khi thu hồi đất, nhưng cần sớm có tổ chức định giá đất độc lập, tránh việc UBND cấp tỉnh đồng thời vừa ra quyết định thu hồi, vừa xác định giá đất, có thể dẫn đến việc vừa đá bóng vừa thổi còi. Ngoài ra, Nghị định 47 về đền bù, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng quy định khá chặt chẽ khâu tái định cư cho người bị thu hồi đất. Tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo, những dự án mới dứt khoát phải có quỹ nhà tái định cư trước mới được triển khai.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư