Top

Nhịp cầu nối những bờ vui - Bài 1:

Bệ phóng duyên hải miền Tây

Cập nhật 22/04/2010 15:10

Hệ thống cầu trên quốc lộ (QL) 60 đang được hoàn chỉnh, đặc biệt là cầu Rạch Miễu, Hàm Luông và sắp tới là cầu Cổ Chiên. Đây là động lực rất lớn cho các địa phương trên tuyến hành lang ven biển ĐBSCL phát triển mạnh mẽ.

Thông đường cho “đảo dừa”


Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, người dân Bến Tre càng phấn khởi hơn khi cầu Hàm Luông trên tuyến QL 60 chuẩn bị khánh thành, đưa vào hoạt động; kết nối thuận lợi với Trà Vinh qua tuyến QL 60 và Vĩnh Long theo QL 57, rút ngắn khoảng cách, thời gian từ các địa phương này với TPHCM.

Cầu Hàm Luông đạt kỷ lục về công nghệ đúc hẫng cân bằng vượt khẩu độ 150m lớn nhất Việt Nam.

Như bao người dân 4 huyện xứ cù lao Minh này, nghệ nhân Nguyễn Văn Ngàn (Bốn Ngàn) ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách đang tất bật chăm sóc vườn kiểng vẫn rất vui kể: “Gia đình tôi trồng chuyên 1 loại mai chiếu thủy, cùng lúc có thể xuất bán hàng chục ngàn chậu. Loại mai này đang được nước ngoài ưa chuộng. Có cầu rồi, xe cộ thông thương, nhà nhập khẩu trực tiếp đến giao dịch, không qua thương lái và các công đoạn vận chuyển trung gian thì nông dân mình có lợi rất lớn”.

Ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách phấn khởi: “Hơn 1 tháng qua từ khi có thông tin cầu Hàm Luông chuẩn bị đưa vào hoạt động, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp đến địa phương khảo sát, tìm cơ hội làm ăn. Đặc biệt, mới tuần qua có nhà đầu tư của Singapore đến xin thuê 200 ha đất trong khu nông nghiệp kỹ thuật cao của tỉnh Bến Tre đặt tại xã Vĩnh Thành để đầu tư sản xuất hoa kiểng xuất khẩu trực tiếp, đóng hàng container tại địa phương; một nhà đầu tư Hàn Quốc đến đặt vấn đề liên kết với nông dân các làng nghề hoa kiểng để có nguồn hàng ổn định, chất lượng cao xuất khẩu sang nước này. Ngoài ra, còn nhiều hãng du lịch lữ hành ở TPHCM, Đông Nam bộ, Cần Thơ… đến khảo sát, liên kết với nhà vườn, thiết kế tuyến du lịch mới”.

Đến nay, chỉ hơn 1 năm đưa vào hoạt động, cầu Rạch Miễu đã góp phần rất lớn trong việc thu hút đầu tư vào Bến Tre. Cùng với các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, lượng vốn đổ vào 2 KCN Bến Tre (thành lập từ năm 2005) đã hơn 4.800 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng. Riêng năm 2009, lượng vốn thu hút tăng 232% so với kế hoạch. Ngoài ra, Bến Tre còn hấp dẫn nhiều dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hạ tầng du lịch với tổng vốn đăng ký hàng ngàn tỷ đồng…

Ông Nguyễn Công Bằng, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bến Tre nhận định: “Hệ thống cầu Rạch Miễu, Hàm Luông hoàn chỉnh, chi phí, thời gian, khoảng cách vận chuyển hàng hóa của Bến Tre có nhiều lợi thế. Hiện tại, xe container 30-40 feet đã về đến được nhiều địa phương trong tỉnh. Năm 2009, tỉnh đã tiếp 60 đoàn đầu tư nước ngoài và 100 lượt doanh nghiệp trong nước đến tìm hiểu, trao đổi, đàm phán đầu tư. Hiện nay, bình quân mỗi tuần có 3-4 lượt nhà đầu tư đến Bến Tre”.

Động lực đột phá

Vùng hành lang ven biển: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu chiếm hơn 30% dân số trong khu vực ĐBSCL. Tài nguyên, tiềm năng kinh tế biển ở các tỉnh này góp phần cho xuất khẩu tăng trưởng nếu được khai thác đúng mức. Các thế mạnh này đã được Chính phủ nhận thấy và đầu tư mạnh cho tuyến hành lang QL 60. “Một khi hành lang QL 60 được nối thông, cùng với các tỉnh lân cận, Bến Tre sẽ phát triển mạnh, Chính phủ không còn phải “nuôi” nữa…” – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thái Xây tự tin.

Cũng như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu là vùng đất có nhiều tiềm năng, tài nguyên, tuy nhiên do điều kiện khó khăn về đi lại nên chưa được đầu tư, khai thác đúng mức, dân ở đây vẫn còn nghèo. Vùng đất này như đang ngủ yên. Cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, phà Cổ Chiên (tới đây sẽ xây cầu) tạo hành lang phát huy QL 60 rất tốt trong việc tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, đặc biệt là vùng ven biển. Cầu Rạch Miễu, Hàm Luông trên tuyến QL 60 không chỉ cho Bến Tre mà là cửa ngõ của các tỉnh ven biển đông của ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Thái Bình, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, để đảm bảo hạ tầng phục vụ khu kinh tế Định An gắn liền với kênh Quan Chánh Bố, Chính phủ có chủ trương đầu tư nâng cấp toàn tuyến QL 53 từ Vĩnh Long qua thị xã Trà Vinh đến huyện Duyên Hải và giáp kênh Quan Chánh Bố thành đường cấp 4 đồng bằng với 4 làn xe, tạo điều kiện nối tỉnh Trà Vinh với TPHCM và các tỉnh ĐBSCL.

Dự án thứ hai là nâng cấp QL 60, nối QL 1A từ Trung Lương (Tiền Giang) qua cầu Rạch Miễu đến phà Hàm Luông (Bến Tre). Nơi đây vài ngày nữa sẽ thay bằng cầu Hàm Luông. Như vậy, khi có thêm cầu Cổ Chiên, từ Trà Vinh đi TPHCM và ngược lại qua QL 60 chỉ có 120 km, rút ngắn được 80 km so với đi theo QL 53 qua Vĩnh Long - cầu Mỹ Thuận - Tiền Giang - Long An - TPHCM như từ trước đến nay. Nếu gắn với đường cao tốc Trung Lương - TPHCM thì từ Trà Vinh đến TPHCM chỉ mất khoảng hai giờ. Đến nay, dự án cảng nước sâu Trà Vinh đã khởi công. Nhìn toàn cục, dự án kênh Quan Chánh Bố gắn với cầu Cổ Chiên, QL 60, QL 53, cảng nước sâu Trà Vinh… sẽ tạo ra những cơ hội tốt để thu hút nhiều nhà đầu tư đến Trà Vinh và khu kinh tế Định An.

Ngày 24-4 này, cùng với cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông cũng được khánh thành. Dự kiến trong quý 4-2010, Bộ GTVT sẽ khởi công cầu Cổ Chiên. Nếu như cầu Rạch Miễu “giải phóng” cho khoảng 600.000 -700.000 dân Bến Tre đi lại, thì tới đây cầu Hàm Luông tiếp tục “giải phóng” thêm 600.000 dân của 4 huyện Cù Lao Minh, không còn cảnh lụy phà. Hiện tại, với cầu Rạch Miễu, Hàm Luông và phà Cổ Chiên, tuyến QL 60 từ Tiền Giang đến Bến Tre, Trà Vinh đã thông thương. Cầu Rạch Miễu, Hàm Luông không chỉ tạo điều kiện phát triển cho Bến Tre mà còn là cơ hội cho Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bứt phá.

Cầu Hàm Luông được khởi công ngày 17-1-2006, nằm trên tuyến QL 60, nối liền TP Bến Tre với huyện Mỏ Cày Bắc. Cầu được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng kinh phí gần 787 tỷ đồng, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Cầu Hàm Luông có tổng chiều dài hơn 8.200m, được thiết kế bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực, mặt cầu rộng 16m, với 4 làn xe lưu thông. Tĩnh không thông thuyền 20,5m, rộng 80m.

Đây là cây cầu do các cán bộ kỹ thuật Việt Nam tự thiết kế và thi công. Cầu Hàm Luông là công trình đạt 3 kỷ lục: kỷ lục về giải phóng mặt bằng sớm; kỷ lục về công nghệ đúc hẫng cân bằng vượt khẩu độ 150m lớn nhất Việt Nam; kỷ lục về tiến độ thi công, hoàn thành trước thời gian so với kế hoạch đề ra.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng