Sau bao công lao ‘lobby’ giải cứu, DN bất động sản đã nhận được gói giải cứu lớn. Cơ hội hồi phục dường như đã thấy rõ và có lẽ vì thế mà các DN đã nhìn nhau neo giá, chờ giải cứu. Cơ hội mua nhà giá rẻ đã hết?.
Ghìm giá
Theo nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù có giảm nhưng giá bất động sản ở thời điểm này vẫn chưa "chạm đáy" và vẫn chưa trở về giá trị thực.
Đại biểu quốc hội Bùi Văn Phương cho rằng, doanh nghiệp BĐS đang ỷ lại vào chính sách nhà nước, đang nằm chờ giải cứu. Theo ông, việc giải cứu BĐS, vì vậy "sẽ không công bằng, sẽ chỉ giải quyết lợi ích nhóm".
Còn ông Đỗ Văn Đương, Ủy ban Tư pháp của QH cũng băn khoăn liệu việc giải cứu BĐS có phải là "cứu cánh cho DN, cứu cánh cho nhà đầu cơ" khi suốt trong những năm bong bóng BĐS, khi "lãi khủng", họ có biết đến lợi ích của người dân?
Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định, nếu đúng tồn kho bất động sản chỉ hơn 110 ngàn tỉ đồng, thì chưa cần phải cứu. Nhưng nếu Chính phủ thực sự muốn ra tay cứu, thì đối tượng cần cứu không phải là doanh nghiệp bất động sản, bởi vì cứ đổ tiền cho doanh nghiệp.
"Đối tượng cần cứu, phải là người dân. Điều quan trọng là phải kéo giá nhà về giá trị thực, nếu không cứu thế này không khéo dân chết oan, cứu sao phải để người dân hưởng lợi chứ không lại đi cứu ông nhà giàu, thế khác nào tước đoạt đi cơ hội có nhà của dân" ông Hùng nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tình trạng giảm giá ở khu vực đất nền, ít nhất 5%, cao nhất 50%. Trong khi đó, giá chung cư giảm bình quân 15-20 đến 30%. Lãnh đạo Bộ xây dựng cho rằng, mức độ giảm giá này chưa phù hợp với khả năng thanh toán. Mức giá này vẫn cao, nhà đầu tư vẫn còn lãi nhiều.
Ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu cũng cho rằng, chủ đầu tư này vẫn có lãi mặc dù thị trường khó khăn và giảm giá căn hộ cho khách hàng. "Có những dự án bán rất đắt nhưng vẫn không có lãi. Lỗ hay lãi là do việc chủ đầu tư quản lý và điều hành nó như thế nào. Nếu không để thất thoát, lãng phí thì dù bán với giá rẻ, vẫn có thể có lãi", ông Thản khẳng định.
Có lãi vẫn kêu gào khó khăn
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 31/12/2012, tổng số doanh nghiệp ngành xây dựng đang hoạt động là 55.870 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là 7.848 chiếm 14%. Trong năm 2012, số doanh nghiệp ngành xây dựng có lãi là 37.197; số doanh nghiệp thua lỗ là 17.000, tăng hơn 2.000 doanh nghiệp thua lỗ so với năm 2011.
Một chủ đầu tư thừa nhận, lợi nhuận kinh doanh bất động sản có giảm không "khủng" so với thời kỳ "sốt", nhưng doanh nghiệp vẫn có lãi. Thời gian qua, gặp khó khăn chủ yếu ở những doanh nghiệp đầu tư dài trải hoặc đầu cơ, còn những đơn vị kinh doanh một dự án vẫn sống khỏe. Lấy dẫn chứng từ doanh nghiệp này, chủ đầu tư vẫn đủ lương trả cho nhân viên và thưởng thêm tháng 13.
"Bối cảnh thị trường BĐS hiện tại đang rất khó khăn, mở bán với giá thấp hơn rất nhiều dự án khác nhưng công ty vẫn không lỗ, chỉ là lãi suất không được nhiều.", vị giám đốc khẳng định.
Đánh giá của Cushman & Wakefield, ông Nguyễn Hải Minh, trưởng bộ phận nghiên cứu cho rằng, so với những năm trước đây, lợi nhuận bất động sản đã giảm khá nhiều. Các dự án nhà ở trước đây rất hot, khách hàng tự tìm đến chủ đầu tư vì thế giá cả chủ đầu tư đưa ra thường cao so với giá trị thực. Do đó lợi nhuận thu được rất cao. Song với tình hình hiện nay, đầu tư vào bất động sản không còn là kênh đầu tư hấp dẫn với lợi nhuận không được như trước đây nữa.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF