Việc tháo gỡ khó khăn cho bất động sản chính là làm sao để nhà đầu tư cũng như người dân có niềm tin vào thị trường.
Một trong những “tử huyệt” của BĐS hiện nay đó là khủng hoảng niền tin. Thiếu niềm tin đối với thị trường BĐS nên giới đầu tư, người mua nhà đã quay lưng với BĐS. Và kết quả là dù giá BĐS đã giảm song người dân vẫn thờ ơ khiến cho lượng hàng tồn kho trên thị trường, nhất là căn hộ để bán quá lớn. Vốn ách tắc ngay tại đây.
Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho bất động sản chính là làm sao để nhà đầu tư cũng như người dân có niềm tin vào thị trường.
Hiện nay, tâm lý người dân vào thị trường BĐS đang ngày càng xấu đi. Mặc dù giá BĐS đã giảm 30%, thậm chí có khu vực giá đã giảm hơn một nửa nhưng người dân vẫn trong tâm lý chờ đợi giá BĐS sẽ còn giảm xuống nữa.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng thừa nhận, điểm mấu chốt của thị trường BĐS hiện nay chính là điểm giao cắt giữa đường cung và cầu vẫn chưa gặp nhau.
Nhiều ý kiến lo ngại sự khủng hoảng niềm tin có thể khiến cho bất động sản thêm lún sâu vào suy thoái. Bởi lẽ trên thực tế cho thấy, không chỉ có các DN địa ốc và nhà đầu tư trong nước tháo chạy mà khối ngoại, điển hình là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư cũng đang thoái vốn khỏi thị trường BĐS Việt Nam. Chính vì vậy, quan trọng nhất hiện nay là BĐS phải lấy được lòng tin từ người dân cũng như từ nhà đầu tư.
Trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ cho rằng, 2 nút thắt chính của thị trường BĐS hiện nay là vốn tín dụng và khủng hoảng niềm tin.
Theo Bộ trưởng Huệ thì vấn đề đầu tiên cần tháo gỡ đó là tâm lý. Bởi vì nếu không tạo ra niềm tin thì người mua nhà sẽ tiếp tục chờ đợi.
Cũng đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty tư vấn BĐS Nagarit, ông Đặng Văn Quang cho rằng, chỉ khi nào thị trường BĐS lấy lại được niềm tin từ người mua nhà, từ các nhà đầu tư thì BĐS mới phục hồi được.
Niềm tin đó, theo ông Quang chính là thông tin về thị trường minh bạch, chính sách của Nhà nước rõ ràng. Ngoài ra, vai trò của doanh nghiệp BĐS cũng rất quan trọng. “Người dân giờ đã rất thông minh, họ biết so sánh về chất lượng sản phẩm, giá cả cũng như cam kết về tiến độ dự án cũng như uy tín của doanh nghiệp”, ông Quang nói.
Trước đây, do sự quản lý yếu kém nên thị trường BĐS đã phát triển ồ ạ, mạnh ai người nấy làm. Do đó, vào thời điểm thị trường chưa lao dốc, nhiều doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư thu lãi khủng từ việc đầu tư vào BĐS.
Chủ đầu tư đưa ra mức giá trên trời, thông tin lại không minh bạch khiến cho giá BĐS bị đẩy lên quá cao vượt xa nhu cầu và điều kiện của người dân. Đến lúc cực điểm, người dân đã quay lưng lại với BĐS dù doanh nghiệp đã hạ mình sử dụng đến các chiêu kích cầu như chiết khấu căn hộ, tặng quà nội thất hay giảm giá trực tiếp...
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ thì, để lấy lại niềm tin, doanh nghiệp phải công bố công khai, chính thức thông tin về các dự án cũng như có thông báo chính thức về chính sách bán hàng, giá bán, chất lượng sản phẩm...
Còn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần chứng minh được giá BĐS đã giảm về ở mức hợp lý hay chưa, nếu giá đã giảm kịch không thể thấp hơn được nữa, thì chắc chắn lúc đó người dân sẽ bỏ tiền mua nhà.
“Với lượng hàng tồn kho hiện nay, người dân có mua nhà thì ngân hàng mới cho vay được. Mà điều kiện để người dân mua nhà chính là giá bán, lãi suất, thời hạn vay vốn phải hợp lý,” ông Bình nói.
Còn theo GS Đặng Hùng Võ, BĐS phải hạ giá theo hướng cung phải gặp cầu. “Nếu cung chưa gặp cầu thì có nghĩa là người tiêu dùng chưa thỏa mãn với mức giá đó đòi hỏi doanh nghiệp phải hạ tiếp thậm chí là chấp nhận lỗ vì đấy là quy luật của thị trường. Chỉ khi nào chúng ta nhìn thấy được giao điểm của đường cung và đường cầu trên thị trường BĐS thì lúc đó thị trường mới hồi phục được”, ông Võ nhận định.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong thời điểm này, ngoài việc chờ đợi sự cứu trợ của Chính phủ, bản thân doanh nghiệp BĐS cũng phải tự tìm đường cứu lấy mình. Một trong những cách đó là phải tự hạ giá. Chỉ khi giá BĐS giảm thì thanh khoản của thị trường nhà đất mới được cải thiện.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF