Bất chấp các thông tin kém lạc quan về thị trường, bất động sản vẫn là kênh đầu tư có hệ số bảo toàn vốn cao và hiệu quả nhất so với vàng, tiết kiệm, chứng khoán và ngoại tệ.
Hầm trú ẩn trước lạm phát
Trong 5 kênh đầu tư hiện tại (vàng, USD, chứng khoán, bất động sản, tiết kiệm), thì chứng khoán lình xình kéo dài, vàng, USD đều ngắc ngoải, bất động sản chững lại, chỉ có tiết kiệm có vẻ “lên ngôi”. Thậm chí, không ít công ty chứng khoán đã sống sót được đến thời điểm này nhờ đem toàn bộ vốn… gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đường dài đều không coi tiết kiệm là kênh cất tiền hiệu quả, vì thời điểm hưởng lợi từ lãi suất cao thường quá ngắn, còn so với tốc độ lạm phát, thì sau khi trừ đi tính lại cũng không đem lại hiệu quả cao.
Bất động sản, dù chững lại và đang đối mặt với nhiều thông tin kém lạc quan, song vẫn được các nhà đầu tư coi là “hầm trú ẩn” hiệu quả nhất cho đồng vốn.
Giám đốc một trung tâm môi giới nhà đất trên đường Lê Văn Lương cho biết, dù không sôi động như trước, nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn ráo riết săn đất, săn nhà với mục đích đầu tư - không bán được ngay, thì coi như một hình thức bỏ ống dài hạn.
“Kinh nghiệm các lần sốt nóng, sốt lạnh đã qua đều cho thấy, dù bất động sản có chững thì bỏ tiền vào đó vẫn sinh lợi hơn các kênh khác”, ông Hà Văn Phong, một người đang đi “săn” nhà dưới 3 tỷ đồng cho biết.
Những người như ông Phong không ít. Thực tế, thị trường bất động sản Hà Nội được hình thành chủ yếu từ nguồn tiền trong dân, nên dù nhà đất có chững cũng vẫn là kênh đổ tiền hàng đầu trong các kênh đầu tư hiện có.
Thời điểm “bắt đáy” giá chung cư
Tuy nhiên, không phủ nhận thị trường địa ốc đang rơi vào điểm “đáy”, đặc biệt là thị trường căn hộ phân khúc cao cấp. Việc các chủ dự án liên tục tung chiêu giảm giá, khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng gần đây là một minh chứng. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng đã nổ phát pháo đầu tiên cho việc giảm giá căn hộ trên thị trường Hà Nội khi tuyên bố chiết khấu tới 12% giá bán căn hộ Rừng Cọ trong 3 ngày (23-25/4/2011) và 10% ở thời điểm hiện tại.
Các dự án khác cũng tìm mọi cách tăng ưu đãi, lợi thế cho khách hàng như chuyển sang được niêm yết thanh toán bằng tiền đồng để thu hút người mua trong bối cảnh giá ngoại tệ biến động mạnh. Thậm chí, chủ đầu tư Dự án Times City - Vincom đã gây “choáng” cho thị trường khi táo bạo công bố bỏ việc điều chỉnh giá bán nhà theo chỉ số giá tiêu dùng, kể cả cho những căn hộ đã bán xong từ lâu.
Quyết định này khiến không chỉ người có nhu cầu thật, mà ngay cả khách hàng muốn cất giữ tài sản cũng có thể yên tâm đầu tư dài hạn, vì toàn bộ rủi ro, biến động giá cả trong 2-3 năm tới đã được chủ đầu tư “ôm” về. Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Vincom cho biết, đây là điều cần thiết nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, đồng thời thể hiện mục tiêu phát triển bền vững, nghiêm túc và tầm vóc của một doanh nghiệp lớn.
Dĩ nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực tài chính vững mạnh để dám hy sinh một phần lợi nhuận như Vincom, nhưng động thái này đang ảnh hưởng tích cực đến thị trường.
TS. Nguyễn Bá Ân, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, hiện tại chính là cơ hội cho người có tiền thực, nhu cầu thực mua nhà. Theo ông Ân, lúc này ai có tiền thực đầu tư là tốt nhất, vì sau một thời gian thị trường trầm lắng, bất động sản sẽ dần trở về giá trị thực. Đặc biệt, với những người khôn ngoan đây chính là cơ hội tốt “bắt dao rơi”, mua nhà giá tốt để đón đầu cơn sốt bất động sản tiếp theo - được nhiều chuyên gia dự báo sẽ bùng nổ vào năm 2013-2014.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư