Theo đề xuất mới nhất của Bộ Xây dựng, tới đây sẽ có 7 loại hợp đồng giao dịch nhà ở không còn bắt buộc phải qua công chứng, chứng thực. Đề xuất này ngay từ khi vừa được thông tin trên báo chí đã vấp phải phản ứng dữ dội của giới làm công chứng.
Điều này cũng dễ hiểu vì liên quan đến nguồn thu chính của họ. Nhưng ngay với người dân - đối tượng theo Bộ Xây dựng là được hưởng lợi từ đề xuất này - cũng rất hoang mang. Phần lớn BĐS đều có giá trị lớn, nếu bỏ qua thủ tục công chứng, tranh chấp xảy ra, ai chịu?
Rằng hay thì thật là hay
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, những loại giao dịch đó là: Hợp đồng mua bán nhà ở; hợp đồng đổi nhà ở; hợp đồng tặng, cho nhà ở; hợp đồng thế chấp nhà ở; hợp đồng thuê mua nhà ở; hợp đồng thuê nhà ở của tổ chức có chức năng kinh doanh BĐS; hợp đồng thuê nhà ở của cá nhân, hộ gia đình có thời hạn cho thuê dưới 6 tháng.
Nếu theo quy định hiện hành thì khi thực hiện những giao dịch trên, hai bên mua - bán phải cùng tới văn phòng công chứng để cùng nhau ký hợp đồng chuyển nhượng trước sự chứng kiến của công chứng viên, sau đó bên mua hoặc bán đem hồ sơ kèm theo hợp đồng có công chứng tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.
Theo đề xuất mới của Bộ Xây dựng thì những giao dịch nêu trên không cần phải qua công chứng nữa mà hai bên mua - bán ký hợp đồng với nhau, sau đó bên mua, bên nhận tặng cho, bên đổi nhà ở... có trách nhiệm nộp hồ sơ để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
Lý lẽ của Bộ Xây dựng ở đây là, vì khi làm thủ tục sang tên, cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận vẫn phải kiểm tra điều kiện, tính pháp lý của việc giao dịch đó. Do vậy, việc làm của công chứng viên là thừa, không cần thiết. Đó là chưa kể, theo bộ này, đề xuất của bộ còn góp phần đơn giản hoá thủ tục hành chính, làm thông thoáng hơn những giao dịch về nhà ở, giúp người dân tiết kiệm hơn được nhiều tiền bạc, thời gian...
Rủi ro ai chịu?
Theo anh P.Đ.T - trú tại Cầu Giấy, Hà Nội thì sẽ hết sức nguy hiểm khi bỏ thụ tục công chứng với các giao dịch nhà đất. “Số tiền mua bán một căn nhà thường có giá trị hàng tỉ đồng, mua bán nhà không qua sự xác nhận của công chứng viên khác nào mua bán trao tay? Giả sử mình là bên mua nhà, ai đảm bảo là giấy tờ họ cung cấp về nhà, đất là đúng sự thật, không có tranh chấp quyền lợi?
Hình ảnh có tính minh họa. Nguồn: Internet
|
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động